"Dệt" màu xanh trên đất nghèo

  • 08:04, 28/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trở về từ chiến trường ác liệt, cuộc sống của thương binh Đinh Quang Vinh (xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa) gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng với ý chí, bản lĩnh của một người lính, ông Vinh đã vượt khó vươn lên, một mình trồng hàng chục ha rừng, trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương…
 
Nghị lực phi thường
 
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm gia đình thương binh Đinh Quang Vinh ở thôn Sy, xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa. Tiếp chúng tôi trong căn nhà rợp bóng cây, ông Vinh tự hào kể, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước. Năm 1962, mới 18 tuổi, theo tiếng gọi liêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở mặt trận Trung Lào.
 
Tháng 6-1964, trong một lần làm nhiệm vụ, bị vướng mìn của địch, ông Vinh bị thương nặng, mất một bàn chân, được đồng đội cứu chữa, đưa xuống tuyến sau rồi chuyển về điều trị tại Bệnh viện quân y 4 (Quân khu 4). Tháng 10-1964, ông Vinh ra viện, trở lại đơn vị nhưng do vết thương nặng, nên cuối năm 1965, ông được đơn vị cho phục viên.
 Thương binh Đinh Quang Vinh chăm sóc đàn ong mật.
Thương binh Đinh Quang Vinh chăm sóc đàn ong mật.
Trở về quê hương, ngoài việc thường xuyên phải chống chọi những cơn đau do vết thương tái phát khi trái gió, trở trời, ông Vinh không ngờ mình còn phải mang trong người thứ chất độc da cam quái ác. Vợ chồng ông sinh hạ được 8 người con nhưng đã có 3 người bị dị tật và mờ mắt bẩm sinh do di chứng của chất độc da cam. Hoàn cảnh gia đình dù rất khó khăn, nhưng với ông Vinh, được sống và trở về vẫn là sự may mắn và hạnh phúc so với nhiều đồng đội khác. Ông bảo: “Mình còn sống trở về, lại có được người vợ hiền, chịu thương chịu khó luôn luôn sát cánh thì không gì hạnh phúc hơn!”.
 
Ngồi bên chồng, bà  Đinh Thị Quý (vợ ông Vinh) miệng bỏm bẻm nhai trầu, nói với chúng tôi: “Hai vợ chồng tôi lấy nhau trước lúc ông nhập ngũ. Lúc ông ấy lên đường là một thanh niên khỏe mạnh nhưng trở về lại là một thương binh nặng. Tôi biết cuộc sống của chúng tôi rồi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nghĩ rằng, vì sự nghiệp giải phóng đất nước, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc mà ông ấy đã phải hy sinh một phần thân thể, vì vậy, tôi không bao giờ phàn nàn mà luôn động viên, chia sẻ mọi khó khăn với ông ấy”.
 
Ông Vinh nhớ lại: “Hoàn cảnh gia đình tôi thời gian đó phải nói là rất khó khăn, các con còn nhỏ dại, lại có đến 3 đứa bị tật nguyền, ở viện nhiều hơn ở nhà… Nhiều đêm nằm suy nghĩ, tôi quyết tâm phải làm gì đó cho vợ con đỡ khổ. Mặc dù biết con đường vượt khó của mình sẽ rất gian nan, nhưng tôi luôn tâm niệm, trong chiến tranh trước nòng súng của địch, mình không nản chí, không lẽ lại khuất phục trước hoàn cảnh đói nghèo?”.  
 
Vươn lên giữa đời thường
 
Nghĩ là làm, sau khi tìm hiểu về một số khu đất trống, đồi núi trọc còn để hoang hóa tại xã Hóa Phúc, năm 2003, ông Vinh làm đơn xin nhận 1ha đất đồi rừng để lập nghiệp. Là một thương binh, lại khởi nghiệp từ “đôi bàn tay trắng” trên mảnh đất vốn toàn đá sỏi, khô cằn, nên mọi người ai cũng lo lắng cho ông, có người độc miệng còn bảo ông bị “điên”. Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, ông vẫn quyết tâm.
 
Và rồi, ngày lại ngày, người làng Sy vẫn thấy một anh thương binh người nhỏ thó, dáng đi xiêu vẹo, cần mẫn từng nhát rựa, nhát cuốc để “chinh phục” vùng đất cằn. Những ngày đầu do chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm bón, nên vườn cây keo của ông đạt hiệu quả thấp, trồng được 10 cây thì 9 cây bị chết. Không hề nản chí, ông Vinh lặn lội đến Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Minh Hóa và nhiều nơi khác để học tập kỹ thuật, kinh nghiệm trồng rừng. Khi đã có những hiểu biết và kiến thức nhất định về kỹ thuật trồng rừng, ông đã mạnh dạn vay vốn, mua giống cây keo mới để trồng rừng. 5 năm sau, bán lứa keo đầu tiên ấy, gia đình ông thu được hơn 50 triệu đồng, là một khoản tiền khá lớn lúc bấy giờ.
 
Có nguồn vốn và kỹ thuật trong tay, năm 2008, ông Vinh tiếp tục làm đơn xin nhận thêm diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn xã để trồng rừng. Cho đến nay, sau nhiều năm quăng quật với đất đồi đầy sỏi đá, gia đình ông Vinh đã phủ xanh gần 20ha rừng keo. Ngoài trồng rừng, ông Vinh còn là một người nuôi ong mật giàu kinh nghiệm với đàn ong trên 50 tổ.  “Đất không phụ công người”, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, nuôi ong…đã mang lại thu nhập cho gia đình ông Vinh mỗi năm từ 200 đến 300 triệu đồng, có năm cao nhất lên đến 400 triệu đồng.
 
Từ một hộ nghèo, ông Vinh đã có tiền xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ dùng sinh hoạt và chữa bệnh, nuôi con cái ăn học chu đáo. Hiện, ngoài những người con bị tật nguyền do nhiễm chất độc da cam, những người con còn lại của ông Vinh đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định cũng nhờ vào việc trồng rừng kinh tế mà ông đã chỉ bày.
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Vinh luôn gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động con cháu và người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong công tác xã hội, ông Vinh có 2 nhiệm kỳ (từ năm 1990 đến 1996 và từ 2007 đến 2012) làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hóa Phúc. Nhiệm kỳ nào ông cũng hoàn thành xuất nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo chính đáng. Ở xã Hóa Phúc thời gian qua, có nhiều hội viên CCB đã học theo ông Vinh để trồng rừng, sở hữu diện tích rừng lớn, làm giàu cho gia đình, góp phần phủ xanh đất nghèo Hóa Phúc…
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Bá Đồng, Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc đánh giá: “Thương binh Đinh Quang Vinh là một tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó. Những thành công của ông hôm nay, người bình thường đạt được đã khó, vậy mà ông làm được. Không chỉ tích cực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ông Vinh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương, giúp đỡ nhiều đồng đội và nhân dân. Sống gần gũi, nghĩa tình với bà con, làng xóm, ông Vinh thực sự là tấm gương sáng để người dân trong xã học tập, noi theo”.
 
Phan Phương

tin liên quan

Mỹ đề xuất hạn chế mới đối với xuất khẩu sang Trung Quốc
Mỹ đề xuất hạn chế mới đối với xuất khẩu sang Trung Quốc
Các quy định mới sẽ yêu cầu các công ty Mỹ phải xin giấy phép khi bán một số mặt hàng cho các thực thể quân sự của Trung Quốc, ngay cả khi những mặt hàng này được sử dụng cho mục đích dân sự.
 
Khó khăn tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi
Khó khăn tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

(QBĐT) - Hiện nay, huyện Tuyên Hóa đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi và khuyến khích người chăn nuôi tái đàn. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn.

Xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Hóa: Dấu ấn một thập kỷ
Xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Hóa: Dấu ấn một thập kỷ

(QBĐT) - Là huyện miền núi, xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, do vậy, ngay từ giai đoạn đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tuyên Hóa gặp không ít khó khăn, thậm chí có cả sự lúng túng. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.