(QBĐT) - Bàu Sen thuộc xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy là một điểm đến có phong cảnh thanh bình, thơ mộng mang vẻ đẹp nguyên sơ. Với những lợi thế đó, những năm gần đây, Bàu Sen đã thu hút khá nhiều khách thập phương tham quan, chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, Bàu Sen hiện nay vẫn như một “nàng công chúa” chưa được đánh thức. Cơ hội nào cho phát triển du lịch ở Bàu Sen vẫn đang là "bài toán" nhiều thách thức đối với chính quyền huyện Lệ Thủy…
Hồ nước ngọt trong vùng cát…
Theo Quốc lộ 1A vào phía Nam huyện Lệ Thuỷ, đến địa phận xã Sen Thuỷ sẽ gặp Bàu Sen, một hồ nước ngọt tự nhiên có mặt nước mênh mông, trong xanh nằm sát Quốc lộ, phía đông có những động cát lớn chạy dài dọc bờ biển án ngữ.
Ngày xưa, Bàu Sen có tên là Nhị Hồ, để chỉ cả hai bàu ở trong khu vực các động cát thuộc xã Sen Thủy là Bàu Sen thuộc Thủy Liên Thượng và Bàu Đơm thuộc Thủy Liên Nam, được thông thủy bởi một con lạch nhỏ. Diện tích mặt bàu rộng khoảng 8,5 km2, dung tích nước khoảng 5 triệu m3. Nhiều người cho rằng, sở dĩ bàu được gọi là Bàu Sen vì trước đây, trong bàu này có rất nhiều sen mọc. Xưa kia, cứ đến mùa hè, sen nở đầy đầm, hương thơm ngào ngạt cả vùng.
Tích xưa có những huyền thoại khá kỳ thú về Bàu Sen. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Giáp Thân (1404), Hồ Hán Thương cho đào kênh Sen để thuận đường vận chuyển binh lương vào Thuận Hóa nhưng “bùn cát đùn lên, khai không được”. Dấu tích kênh Sen bắt đầu từ Lộc Bình, vòng qua quan lộ, đi vào Quán Cát, thông vào Bàu Sen, chảy qua Quán Bụt, Hạ Cờ (giáp giới Quảng Trị) thì chảy về hướng Đông, rồi vòng hướng Tây. Khi đào đến một cồn cát phía Tây làng thì cát đùn lên không đào được (dân làng gọi vùng này là Quán Cụt hay còn gọi là Bàu Diêm Vương), nhà Hồ đành bỏ cuộc.
![]() |
Đến đời nhà Lê, vua Lê Thánh Tông trên đường chinh chiến phương Nam cũng lại cho đào thông kênh Sen nhưng đào không được. Sự việc trên được Đại Nam nhất thống chí chép lại, khoảng năm Quang Thuận, nhà vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đến địa đầu xã này, hạ lệnh tập hợp quân dân đào kênh, để tiện dường vận chuyển. Bấy giờ, xã trưởng xã Thủy Liên là Mai Văn Bản (tục gọi là Bổn) liền đến cửa quân tâu rằng: “Chỗ này đất cát, nếu đào sẽ bị cát lấp ngay, chỉ hại sức dân thôi”. Vua cả giận cho Văn Bản trái lệnh, sai đem chém nhưng sau đó hễ đào được chỗ nào liền bị cát lấp chỗ đó.
Khi vua đánh Chiêm Thành trở về, có 20 thớt voi đến bờ kênh thì đứng ỳ lại, không chịu lội qua, phục ngà xuống đất mà rống lên. Dân trong vùng cho là do ông Mai Văn Bản bị hàm oan, vua sai người bí mật cầu đảo và khấn rằng: “Nếu Văn Bản có thiêng thì nên cho voi qua sông, sẽ phong tặng”. Khấn xong, đàn voi bèn qua sông. Vua phong cho Văn Bản làm thần bản thổ và sai lập đền thờ, ấy là đền Mai Công đã được sử sách ghi lại.
Ngày nay, đến Bàu Sen, du khách có thể bơi thuyền vãn cảnh thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành và đắm mình trong thú vui câu cá. Trong thủy vực Bàu Sen rất nhiều loài thủy sản nước ngọt sinh sống nhưng nhiều nhất vẫn là các loài thuộc họ cá chép và các loại tôm. Đây là một trong những nơi có nguồn thủy sản nước ngọt phục vụ thực phẩm tươi cho một vùng quê ở phía Nam huyện vốn có điều kiện đất đai khô cằn…
Tiềm năng bỏ ngỏ
Bàu Sen ngày nay đã là nơi dừng chân, nghỉ mát lý tưởng của du khách bốn phương. Nơi đây, ngoài những món đặc sản cá nước ngọt đánh bắt trong lòng hồ, nơi đây còn có những món ẩm thực từ nguồn thực phẩm rất đặc trưng của vùng quê Lệ Thủy, như: cơm gà, canh cá lóc, cá hấp, cháo cá…, đủ sức níu chân du khách ngang qua vùng đất này.
Bà Mai Thị Hồng (thôn Sen Thượng 1, xã Sen Thủy), mở quán bán cơm, cháo cá cạnh Bàu Sen đã ngót nghét 20 năm nay bộc bạch rằng, ngày trước, các quán bán ở đây là những quán lá, xộc xệch, dân quê chủ yếu phục vụ cho cánh tài xế hoặc những ai lỡ bước trên đường thiên lý Bắc Nam. Bây giờ, du khách biết đến Bàu Sen nhiều hơn, bởi cảnh đẹp, thiên nhiên thơ mộng và những món ăn hấp dẫn.
“Ngày trước, mỗi ngày, quán của tôi khi cao điểm bán được 10 con gà, 10kg cá, đưa lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Bây giờ, ở Bàu Sen, khách du lịch dừng chân, ngắm cảnh nhiều, tuy nhiên, hàng quán theo đó lại mọc lên như nấm nên kinh doanh cũng bấp bênh. Quán gia đình tôi bây giờ chủ yếu là phục vụ cho khách quen mà thôi.…”, bà Hồng chia sẻ.
![]() |
Ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Sen Thủy cho biết, Bàu Sen có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái kết hợp với dịch vụ. Bà con địa phương đã biết tận dụng các lợi thế này để phát triển du lịch và nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhưng, việc tìm hướng để phát triển du lịch Bàu Sen vẫn còn là "bài toán" nhiều thách thức đối với chính quyền địa phương.
“Hiện nay, bà con địa phương đã mở được gần 20 quán ăn dịch vụ quanh khu vực Bàu Sen nhằm giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Mới đây, địa phương cũng nắm thông tin có nhà đầu tư muốn triển khai dự án để phát triển du lịch tại khu vực Bàu Sen. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin, một số người dân có ý kiến rằng, việc triển khai thực hiện dự án sẽ có ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên của Bàu Sen và tác động đến cuộc sống của bà con, vì vậy, chính quyền địa phương cũng mong các cơ quan chức năng lưu ý…”, ông Bắc cho biết thêm.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho rằng, Lệ Thủy là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử và nét văn hóa truyền thống lâu đời. Cùng với các di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng, vùng đất này còn được thiên nhiên ưu đãi cho những cảnh đẹp tự nhiên, như: rừng nguyên sinh, suối nước khoáng Bang, Bàu Sen, bãi tắm Tân Hải, khe Nước Lạnh, hang Đại tướng, hồ An Mã…
Cũng theo ông Tình, Bàu Sen là địa điểm du lịch có tiềm năng, khoảng 10 năm trở lại đây, huyện đã kêu gọi đầu tư vào khu vực này, nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Mới đây, đã có nhà đầu tư muốn tìm hiểu đầu tư vào khu vực Bàu Sen, xã Sen Thủy theo hướng kết hợp khu đô thị mới gắn với phát triển du lịch biển. Đến nay, các thủ tục đang được các cấp ngành tiến hành theo đúng lộ trình, kế hoạch và nhà đầu tư cũng đã cam kết không tác động vào khu vực Bàu Sen. Việc triển khai thực hiện dự án Bàu Sen sẽ vừa phát triển du lịch, phát triển cộng đồng và sắp xếp bố trí lại dân cư hiện đại, đưa huyện phát triển, vừa tạo sức bật cho du lịch phía Nam tỉnh.
“Trong mấy nhiệm kỳ qua, huyện Lệ Thủy đã xác định du lịch là ngành mũi nhọn, đến nay, nhiều điểm du lịch trên địa bàn đã được kết nối, thu hút nhiều khách du lịch, tới đây, huyện sẽ có thêm Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang được đưa vào hoạt động. Khu du lịch Bàu Sen được đầu tư sẽ là động lực cho Lệ Thủy ngày càng phát triển hơn trong tương lai”, ông Tình chia sẻ.
Ngọc Hải-Xuân Vương