(QBĐT) - Để khuyến khích người dân mở rộng sản xuất ngô, những năm qua, huyện Bố Trạch đã ban hành chính sách hỗ trợ giá giống cho bà con trồng ngô các địa phương. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng giống ngô lai trên địa bàn huyện đến nay đạt 100% diện tích sản xuất. Nhiều giống ngô mới có năng suất cao đã được đưa vào sử dụng, như: CP501, NK4300, NK6410,...
![]() |
Đặc biệt, hiện nay, Bố Trạch tập trung chuyển đổi sản xuất ngô theo 3 hướng, đó là: ngô lấy hạt, ngô thực phẩm và ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi.
Đối với ngô lấy hạt, dự ước trong năm 2020 toàn huyện Bố Trạch trồng trên 900 ha. Nhờ việc đưa vào sản xuất các giống ngô lai mới có năng suất cao, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác theo hướng thâm canh nên năng suất và sản lượng ngô những năm qua không ngừng được cải thiện; điển hình như các xã Cự Nẫm, Sơn Trạch có truyền thống trồng ngô, năng suất trung bình đạt trên 60 tạ/ha, có nơi đạt 75 tạ/ha.
Bố Trạch cũng đã đưa vào cơ cấu các giống ngô thực phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, như: ngô nếp Tố nữ, ngô nếp lai HN88.
Ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi là hướng đi mới trong công tác chuyển cơ cấu cây trồng, so với ngô lấy hạt, ngô sinh khối có hiệu quả cao hơn 1-1,5 lần. Mặt khác, ngô sinh khối thường có thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết hơn so với ngô hạt nên thuận lợi cho bố trí thời vụ (3 vụ/năm), phù hợp với canh tác, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, mỗi năm trên địa bàn huyện sản xuất được trên 300 ha ngô sinh khối, tập trung ở xã Nam Trạch và Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình. Đặc biệt, xã Nam Trạch đã chuyển đổi 100 ha đất trồng sắn, cao su kém hiệu quả sang trồng ngô lấy thân (liên kết với Công ty Lê Dũng Linh, Quảng Trạch) mang lại hiệu quả gấp 3 lần.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tuy năng suất, sản lượng ngô trong những năm qua tăng cao nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương trên địa bàn huyện; đặc biệt, chưa có hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi đối với ngô lấy hạt và ngô thực phẩm nên giá trị gia tăng còn thấp. Vì vậy, để có đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Bố Trạch tiếp tục tìm kiếm, liên kết với các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn để liên kết sản xuất theo chuỗi và mở rộng diện tích đối với cả 3 giống ngô: ngô lấy hạt, ngô thực phẩm và ngô sinh khối.
Hương Trà