Nông dân bám đất, bám ruộng làm giàu

  • 06:03, 07/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bám đất, bám ruộng để trồng ngô, khoai lang Đà Lạt, dưa hấu, dưa lê…, anh Phan Văn Tân, quê ở thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh quyết tâm không để đất nghỉ, thu lãi ròng từ 300-350 triệu đồng/năm.
 
Mảnh đất rộng gần 2ha “phủ kín” ngô, khoai lang... Nụ cười chất phác của người nông dân rạng rỡ hơn giữa những luống khoai, vạt ngô nếp đang bước vào mùa thu hoạch, ít ai ngờ rằng, cách đây nhiều năm về trước, đây là mảnh đất bỏ hoang, không có giá trị kinh tế. Trên diện tích đất còn lại, gia đình đang ủ đất để bước vào vụ trồng dưa hấu.
 
“Gia đình tôi “gắn bó” với cây ngô, khoai lang... gần 20 năm rồi, nên kinh nghiệm trồng, chăm sóc ngày càng “nhuần nhuyễn”. Trước đây ngô chỉ trồng mỗi năm 1 vụ, nay chúng tôi trồng mỗi năm 2 vụ. Ngô nếp phù hợp với chất đất nơi đây, nên được người dân khắp nơi ưa chuộng”, anh Phan Văn Tân bắt đầu câu chuyện trên cánh đồng ngô.
 
Sinh năm 1971, lớn lên, anh Tân cũng như bao người đàn ông khác trong làng thời đó, chọn cho mình kế sinh nhai bằng nghề đi rừng. Nhưng, sau bao năm “sống chết” ở rừng, anh nhận ra “ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt”. Chỉ có tự lập nghiệp trên chính đôi bàn tay, khối óc mới mong thoát khỏi cảnh “bần nông” này. Nghĩ vậy, năm 2000, anh trở về quê, dặn lòng phải tự làm giàu trên đồng đất quê hương. 
Cây khoai lang mang lại cho gia đình anh Phan Văn Tân thu nhập hơn 150 triệu đồng/vụ.
Cây khoai lang mang lại cho gia đình anh Phan Văn Tân thu nhập hơn 150 triệu đồng/vụ.
Vốn dắt lưng lúc ấy là 7 sào đất ba mẹ để lại, anh cùng vợ là chị Trần Thị Tuyến tìm hướng đi thay đổi cuộc sống gia đình. Với nguồn vốn tích góp được, anh Tân vay thêm PGD NHCSXH huyện 10 triệu đồng, mua giống, vật tư nông nghiệp, tiến hành cải tạo đất, bắt tay vào trồng ngô và mướp đắng. Anh kể: “Ba năm đầu, kỹ thuật chưa có, kinh nghiệm dường như bằng không, nên những vụ ngô, mướp đắng liên tiếp mất mùa. Nhiều lúc muốn buông xuôi, bởi bao nhiêu vốn liếng, công sức đã dồn hết cả vào đất...”
 
Không nản chí, anh Tân tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, học hỏi các mô hình trồng cây ngô, mướp đắng hiệu quả ở nhiều nơi, rồi tìm hiểu chất đất, canh đo thời thiết và áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Nhờ vậy, từ năm 2003, những vụ mùa liên tiếp thành công, anh vui mừng khấp khởi.
 
Có niềm tin, anh dốc hết vốn liếng mua thêm 2,3ha đất ở vùng Đuồi và vùng Trái-thôn Long Đại. Với tổng diện tích 3ha, anh chuyển hướng trồng dưa hấu, khoai lang Đà Lạt và ngô nếp. Để có thêm kỹ thuật về trồng dưa, anh tìm hiểu qua sách báo, tham quan mô hình trồng dưa ở thị trấn Nông trường Việt Trung, xã Hàm Ninh... Tuy nhiên, khi trồng thử nghiệm vụ đầu, những kiến thức học hỏi được không phù hợp với chất đất quê mình. Một lần nữa, anh lại mày mò nghiên cứu cách trồng dưa, làm sao xây dựng được thương hiệu dưa hấu Long Đại.
 
Giống dưa anh chọn trồng chủ yếu là dưa Phù Đổng, dưa Lê. Để đối phó với thời tiết nắng hạn, thiếu nước ở Long Đại,  anh Tân cho biết: “Trước khi trồng dưa, tôi tiến hành trải bạt, tạo các đường rãnh dài. Sau đó, phun nước vào giữa các rãnh để gây độ men và chống côn trùng gây hại. Sau 1 tuần, tôi tiếp tục gieo hạt trực tiếp vào các luống, chứ không ủ bầu như những nơi khác. Khi cây được 20 ngày tuổi thì vào phân sinh học, dưa bò lại trải bạt tiếp. Để chủ động nguồn nước, tôi quyết định đầu tư máy bơm, đường ống đưa nước vào tận cánh đồng ”.
 
Đối với 1ha khoai lang Đà Lạt, gia đình anh thu hoạch được 25 tấn khoai, giá 9 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 150 triệu đồng/vụ. Còn đối với 1ha dưa hấu, giá nhập sỉ cho thương lái tại vườn giao động từ 10-12 nghìn đồng/kg, một năm trừ chi phí, gia đình anh Tân lãi ròng hơn 120 triệu đồng. Các sản phẩm đều được thương lái đến thu mua tận nơi. Với diện tích 3ha, trong đó gồm 1 ha trồng dưa, 1 ha khoai lang và 1ha ngô, mỗi năm, gia đình anh Tân có thu nhập từ 300-350 triệu đồng.
 
Từ những mảnh ruộng hiệu quả kinh tế chưa cao, nhờ bàn tay, khối óc của vợ chồng anh Tân, đất đã không phụ công người. Không chỉ vậy, anh còn tận dụng 0,4ha đất vườn nhà để trồng rau quế, các loại cây ăn quả, như: mít, cam, chanh và nuôi thêm 1 ao cá, vừa không cho đất nghỉ, vừa nâng cao cuộc sống gia đình.
 
Ông Trương Đình Tấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiền Ninh, cho biết: “Anh Phan Văn Tân là tấm gương sáng cho tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, anh còn nhiệt tình hưởng ứng các phong trào khác ở địa phương, như: hiến đất, chung sức xây dựng nông thôn mới... Từ năm 2015 đến nay, anh Tân giữ vững danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.
Hồng Nhung
(Đài TT-TH huyện Quảng Ninh)

tin liên quan

Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển
Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển
Nghị quyết khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí...
 
Đồng ý chủ trương thực hiện dự án năng lượng điện gió trên địa bàn tỉnh
Đồng ý chủ trương thực hiện dự án năng lượng điện gió trên địa bàn tỉnh

(QBĐT - Chiều ngày 5-3, đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với liên doanh Công ty CP Tập đoàn Đồng Tâm Quadran International về đầu tư dự án năng lượng tái tạo.

Hướng tới sinh kế bền vững
Hướng tới sinh kế bền vững

(QBĐT) - Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo mà tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Quảng Ninh giảm dần từng năm, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.