(QBĐT) - Những ngày này, người dân vùng Nam thị xã Ba Đồn đang tất bật thu hoạch, sơ chế tỏi và bán cho thương lái. Thời tiết thuận lợi, công tác chăm sóc tốt nên vụ đông-xuân năm nay, tỏi Ba Đồn được mùa, giá thành bán ra cao hơn năm ngoái.
Trước đây, đời sống của người dân xã Quảng Minh (TX. Ba Đồn) gặp nhiều khó khăn do cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Nhiều năm trở lại đây, chính quyền xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng tỏi với nhiều kỳ vọng nâng cao thu nhập cho bà con.
Trên cánh đồng tỏi của người dân xã Quảng Minh, nông dân tấp nập, rộn ràng vào mùa thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh cho hay, trồng tỏi không phải cứ giống tốt, đất tốt hay nhiều phân là đã cho thu hoạch nhiều, mà phải am hiểu đặc tính của cây tỏi thì trồng tỏi mới đạt năng suất cao. Đất trồng tỏi tuy không phải cày sâu, cuốc bẫm, nhưng vẫn cần sự tơi xốp nhất định bởi tỏi là cây rễ chùm. Để cây tỏi phát triển chỉ cần yếu tố tự nhiên từ đất, cung cấp thêm nước, trồng đúng thời vụ, tỏi sẽ phát triển tốt, ra nhánh đều. Ở xã Quảng Minh, sau thu hoạch lúa mùa là thời điểm người dân bắt đầu vụ trồng tỏi.
Tại cánh đồng tỏi thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh, chị Nguyễn Thị Lài phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình tôi trồng lúa và trồng khoai lang, nhưng hiệu quả kinh tế đưa lại không cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng tỏi, gia đình tôi đã đầu tư trồng 4 sào tỏi. Năm nay, thời tiết thuận lợi, 4 sào tỏi của gia đình tôi phát triển tốt, củ to, chắc, đều và đẹp. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, mỗi sào tỏi, tôi thu về gần 5 triệu đồng. Ngoài trồng tỏi, chúng tôi còn trồng xen các loại cây khác, như: lạc, ớt, cà tím…, góp phần tăng thêm thu nhập”.
![]() |
Xây dựng chuỗi cung ứng, tạo thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp đang là hướng đi được thị xã Ba Đồn chủ trương đẩy mạnh thực hiện nhằm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa và tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Vụ đông-xuân 2019-2020, thị xã triển khai trồng tỏi tại 3 xã: Quảng Minh, Quảng Lộc, Quảng Hòa với tổng diện tích hơn 43ha (400 hộ dân tham gia). Các hộ dân tham gia trồng tỏi đều thực hiện nghiêm quy trình trồng tỏi an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, bón phân đúng thời điểm…, bảo đảm cho cây tỏi đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
“Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chất lượng tỏi năm nay cao hơn các năm trước. Tuy nhiên, diện tích trồng tỏi đang khá manh mún, bên cạnh đó, việc sản xuất của bà con vẫn còn bị động, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu tỏi sẽ giúp bà con có thêm điều kiện để sản xuất sản phẩm bền vững hơn”, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn cho hay.
Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020, thị xã Ba Đồn tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện chuỗi trồng tỏi tại xã Quảng Hòa, Quảng Minh, Quảng Lộc và các xã lân cận. Cụ thể, Phòng Kinh tế thị xã đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật canh tác, chăm sóc, cách sơ chế sản phẩm tỏi… Thời gian tới, Phòng Kinh tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiến hành chuyển đổi, xây dựng quy hoạch vùng trồng tỏi hợp lý, đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường đầu ra, nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì đóng gói cho thương hiệu sản phẩm tỏi Ba Đồn…
Từ một loại cây trồng quen thuộc, cây tỏi đã trở thành “đặc sản” của vùng Nam thị xã Ba Đồn, được nhiều người biết đến và mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân.
L.Chi