(QBĐT) - Với sự cần cù, chịu khó và khát vọng làm giàu, người dân xã Vạn Trạch (Bố Trạch) đã biến nhiều diện tích đất trống, bỏ hoang, kém hiệu quả thành những vùng gò đồi trù phú, ấm no...
Vạn Trạch là một trong những địa phương có diện tích đất vùng gò đồi khá rộng lớn. Để khai thác hiệu quả tiềm năng của đất đai, thời gian qua, Vạn Trạch đã chú trọng khuyến khích người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm và tận dụng, cải tạo, khai phá diện tích đất bỏ hoang, kém hiệu quả để mở rộng trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao gắn phát triển chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Nếu như trước đây, trên cùng đơn vị diện tích cho thu nhập không đáng kể, thì nay, ông Hoàng Văn Hà, ở thôn Sen, đã có nguồn thu cao gấp 5-6 lần nhờ đầu tư trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi tổng hợp.
![]() |
Hồ hởi dẫn chúng tôi dạo quanh vườn cây ăn quả có diện tích trên 2ha, ông Hoàng Văn Hà kể: “Đất đai nhiều thế này, nhưng trước đây, từ năm này qua năm khác, chúng tôi cứ loay hoay với bạch đàn, sắn, khoai..., thu nhập không thể đủ để bù chi phí. Vì nghèo khó, tôi từng bỏ làng đi làm thuê tận đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Nơi đó, người ta cũng thuê tôi làm vườn, chăm sóc và trồng trọt các loại cây trái. Ngẫm lại, tôi thấy tiếc nuối về một thời gian dài bỏ trống nguồn đất đai hoang hóa, lãng phí ở quê. Đến năm 2013, khi xã, huyện bắt đầu có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi mở mang đầu óc và mới bắt đầu khởi nghiệp”.
Đến nay, trang trại tổng hợp của gia đình ông Hà đã có hàng nghìn gốc cây ăn quả, gồm: ổi Đài Loan, cam Hương Khê, bưởi Phúc Trạch, bưởi Diễn… và măng tre. Đặc biệt, trong khu vườn còn có hàng chục cây mít Thái đang đến mùa đậu quả. Trên những cây mít mới chỉ cao quá đầu người, từng chùm quả sai lúc lỉu, cho thấy điều kiện đất đai, khí hậu nơi đây rất phù hợp cho các loại cây ăn quả có giá trị cao phát triển. Ngoài ra, gia đình ông Hà còn đầu tư chuồng trại nuôi bò, lợn và thả nuôi hàng trăm con vịt, gà...
Từ nguồn nước giếng khoan, ông Hà sử dụng hệ thống ống dẫn để tưới tắm cho cây trồng và phục vụ chăn nuôi. Ông Hà cũng cho biết, vì khu đất trồng trọt và chăn nuôi cũng là nơi gia đình ông sinh sống, nên để bảo vệ môi trường, ông không hề sử dụng một loại hóa chất nào để bón lót, trừ sâu bệnh hay kích thích cho cây trồng, vật nuôi. Tuy năng suất cây trồng sẽ không cao, quả phát triển không nhanh hay vật nuôi kéo dài thời gian xuất bán nhưng chất lượng bảo đảm. Vì thế mà hoa quả, vật nuôi trong vườn nhà ông không đủ cung cấp cho thị trường. Người dân và thương lái biết tiếng đến tận nơi thu mua, hiện gia đình ông chưa phải mất thời gian mang đi tiêu thụ.
Ông Hà cho hay, không có nhiều vốn, nên gia đình ông đầu tư dàn trải. Ban đầu, vợ chồng ông gom góp được khoảng 50 triệu đồng, mua cây giống, con giống rồi tự nhân đàn và mở rộng quy mô dần lên. Có được cơ ngơi như hôm nay, vợ chồng ông đều tự tay cày cuốc, chăm bẵm, lấy công làm lãi. Gia đình ông chọn trồng cây gì, nuôi con gì cũng có hiệu quả, nhất là trồng ổi và nuôi lợn. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng. Số tiền này ông vừa trang trải cuộc sống, vừa tái đầu tư.
![]() |
“Sắp tới, vợ chồng tôi sẽ sử dụng số tiền thu được từ trái cây vụ này và vay mượn thêm để đầu tư xây dựng chuồng trại nhân rộng đàn lợn, gà, cũng như đào ao thả nuôi một số giống cá nữa. Như vậy, trang trại của gia đình tôi đầy đủ các loại thức ăn, không phải ra chợ cũng có thể tự cung tự cấp đầy đủ”, ông Hà chia sẻ thêm.
Trên địa bàn Vạn Trạch, hiện còn có các trang trại tổng hợp kết hợp trồng cây và chăn nuôi phát triển mạnh, như: trang trại của hộ ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Đào (ở thôn Sen), Nguyễn Văn Hồng (ở thôn Bắc); mô hình chuyển đổi diện tích keo, tràm kém hiệu quả sang trồng hoa cho thu nhập cao, như: hộ ông Lương Thanh Hải (ở thôn Dinh Lễ)...
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch Nguyễn Hải Lương cho biết: “Với đồng vốn đầu tư ban đầu không nhiều, phù hợp với túi tiền của bà con nông dân, hiện nay, ở xã Vạn Trạch đã có hàng chục gia đình phát triển, mở rộng các trang trại, gia trại tổng hợp với các mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, nguồn thu khá ổn định. Và quan trọng, nhiều diện tích đất gò đồi kém hiệu quả, không phù hợp với một số cây trồng trước đây, như: cao su, sắn, bạch đàn hay một số diện tích bị bỏ hoang nay được bà con chuyển đổi, tận dụng một cách linh hoạt trong phát triển kinh tế. Đến nay, Vạn Trạch có thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm, bộ mặt nông thôn cũng nhờ đó mà thay đổi khang trang từng ngày. Xã đang tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện từ các nguồn hỗ trợ để động viên bà con mở rộng quy mô các trang trại, gia trại, đầu tư các loại cây con giống phong phú, quy trình nuôi trồng bảo đảm chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường… Tương lai không xa, từ vùng gò đồi rộng lớn vốn khô khốc phía Tây Bố Trạch, xã Vạn Trạch sẽ trở thành vùng đồi xanh tươi, trù phú”.
Hương Trà