Chuyện những người không cho đất ngơi nghỉ...

  • 10:03, 02/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Về xã Hóa Thanh (huyện Minh Hóa) trong ngày này, không khó để bắt gặp từng cánh đồng ngô trải dài xanh mướt vươn mình trong nắng. Trên con đường bê tông thẳng tắp len lõi vào từng thôn, nhiều ngôi nhà ngói mới mọc lên, xen lẫn  vườn cây ăn quả tỏa ngát hoa thơm. Chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của mảnh đất và con người nơi đây với những người nông dân đang ngày đêm kiên trì không cho đất nghỉ.
 
Căn nhà của gia đình anh Cao Ngọc An ở thôn Thanh Tân, xã Hóa Thanh khang trang và đầy đủ mọi tiện nghi, vườn cây ăn quả quanh nhà rợp bóng mát. Đây là kết quả của sau nhiều năm vợ chồng anh kiên trì tạo dựng mô hình kinh tế tổng hợp ngay chính nơi mình sinh ra. Từ mảnh vườn của ông bà để lại, gia đình anh An đã đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp, có thu nhập ổn định, nhờ đó, cuộc sống ngày càng khấm khá, mảnh vườn đã nuôi sống 10 nhân khẩu trong gia đình, con cái được ăn học thành người.
 
Trên diện tích gần 2ha đất vườn, trước đây, gia đình anh An trồng cây keo, cứ 5 năm thu hoạch một lứa cũng có thu nhập. Cách đây gần 5 năm, sau khi thu hoạch lứa keo thứ 2, gia đình anh An quyết định cải tạo vườn tạp, chuyển đổi qua trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi.
 
Chỉ tay về khu vườn rộng trải dài, anh An cho biết, bên này, anh trồng gần 300 gốc chuối, cạnh đó là 250 gốc bưởi Phúc Trạch, khu vườn nho nhỏ bên kia là hàng chục gốc chè xanh. Gần cạnh nhà, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, nuôi lợn nái, lợn thịt và thả trên 150 con gà, rồi cứ đất trống chỗ nào anh lại trồng thêm hàng tiêu, trụ thanh long… Hiện anh đang đào hố, xử lý phân chuồng để trồng thêm vài trăm cây mít thái. Ngày nào vợ chồng anh An cũng có mặt ở vườn để chăm sóc cây ăn quả, rồi chăm đàn lợn, đàn gà, hết làm cỏ đến bón phân, theo dõi phòng trừ sâu bệnh.
Vườn chuối mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Cao Ngọc An.
Vườn chuối mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Cao Ngọc An.
Nhờ sự chịu thương, chịu khó của vợ chồng anh nên đất không phụ, vườn cây ăn quả xanh tốt và phát triển nhanh, cho thu hoạch quả quanh năm, nhất là vườn chuối, ngày nào cũng có buồng chín để bán cho thương lái. Nhẩm tính, mỗi năm, gia đình anh An thu nhập trên 130 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng cây keo, cây tràm.
 
Trên con đường 12A ngược về phía Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Đinh Xuân Báu ở thôn Thanh Long. Trước đây, 2ha đất đồi được gia đình ông đầu tư trồng tràm, keo lai, đến cuối năm 2018, ông Báu đã chuyển 1ha sang trồng cây ăn quả. Từ khi bắt tay vào chuyển đổi, gia đình ông đã tập trung cải tạo, xử lý đất, đầu tư làm hàng rào, hệ thống nước tưới, lựa chọn giống cây trồng. Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc, không ai nghĩ vườn cây ăn quả của ông Báu lại xanh tốt và bắt đầu cho quả bói. Ông đã trồng 200 cây bưởi, 30 cây mít Thái và 4.000 cây dứa.
 
Ông Báu chia sẻ, ngày nào vợ chồng ông cũng vác cuốc lên đồi từ sáng sớm, trưa muộn mới về, ngày hai buổi có mặt ở đây, "chăm cây hơn chăm con", rảnh rỗi ông lại tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây trồng trên sách báo, mạng Internet, rồi đi học hỏi mô hình làm ăn tận Lệ Thủy, Hà Tĩnh. Nhờ đó, ông nắm vững quy trình phát triển của cây, giai đoạn cây bén rễ, ra hoa, đậu quả, các loại sâu bệnh thường gặp và cách phòng trừ, cách chăm sóc để cây đậu quả, chọn lựa và giữ lại những quả to để bảo đảm chất lượng. Nhà ông Báu còn có 12 cây bưởi trồng cách đây 18 năm, buởi ngon nên năm nào thương lái cũng đến thu mua, bình quân mỗi cây bán được 1 triệu tiền quả.
 
Trong vườn nhà, ông bà còn trồng thêm các loại rau củ, nuôi ong lấy mật. Dự tính đến tháng 7 năm nay, ông sẽ thu hoạch bói dứa, mít và bưởi, mùa đầu tiên tuy thu nhập sẽ chưa cao nhưng đây là tín hiệu vui và là động lực để những người nông dân chân lấm tay bùn như ông Báu quyết tâm làm giàu.
 
Đi lên từ hai bàn tay trắng, gia đình anh An, ông Báu đã thành công khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấy cây trồng vật nuôi, bắt đất cằn cho quả ngọt. Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở xã Hóa Thanh cũng đang mạnh dạn chuyển đổi và đã hình thành những vườn cây ăn quả xanh tốt. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình trên đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong xã, thực sự góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cây trồng một cách bền vững.
 
Ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hóa Thanh cho biết, xã luôn khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng cách lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ thêm về giống cây, giống con cho những hộ mạnh dạn làm ăn. Hiện nay, nhiều mảnh vườn trước đây trồng khoai, trồng sắn hoặc bỏ hoang đã được bà con trồng ổi, bưởi, thanh long, đồng thời, trồng xen các loại rau màu ngắn ngày. Những mô hình có hiệu quả sẽ được báo cáo đề xuất lên huyện để có sự khen thưởng, khích lệ kịp thời.
 
Thùy Linh
Đài TT – TH Minh Hóa

tin liên quan

Dịch COVID-19: Nhiều xe nông sản đang chờ làm thủ tục tại cửa khẩu
Dịch COVID-19: Nhiều xe nông sản đang chờ làm thủ tục tại cửa khẩu
Tính đến hết ngày 29-2, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị xuất 223 xe nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, hàng may mặc, bên cạnh đó, cửa khẩu cũng nhập 289 xe.
 
Khi thanh niên miền núi khởi nghiệp
Khi thanh niên miền núi khởi nghiệp
(QBĐT) - Khi phong trào khởi nghiệp trở thành "ngọn đèn" soi đường cho thanh niên thì ý chí, quyết tâm và tinh thần dám nghĩ, dám làm đã giúp cho những bạn trẻ ở huyện miền núi Tuyên Hóa chạm tay đến thành công trong việc mở hướng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
 
Nông dân Ba Đồn được mùa tỏi
Nông dân Ba Đồn được mùa tỏi

(QBĐT) - Những ngày này, người dân vùng Nam thị xã Ba Đồn đang tất bật thu hoạch, sơ chế tỏi và bán cho thương lái. Thời tiết thuận lợi, công tác chăm sóc tốt nên vụ đông-xuân năm nay, tỏi Ba Đồn được mùa, giá thành bán ra cao hơn năm ngoái.