Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế địa phương

  • 08:03, 09/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua gần 5 năm triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, sản xuất nông nghiệp huyện Bố Trạch đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là trên những vùng gò đồi khô hạn phía Tây của huyện.
 
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế địa phương của huyện Bố Trạch thời gian qua đã nhận được được sự đồng thuận cao của người dân. Các địa phương trên địa bàn huyện đã huy động tốt các nguồn lực từ người dân và linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc chương trình, dự án để thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình thực tiễn”.
 
Nhờ đó, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã xác định được thế mạnh đột phá trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Điển hình, xã Hòa Trạch phát triển cây ăn quả; xã Nam Trạch với cây ngô lấy thân; xã Xuân Trạch mở rộng gieo giống các loại cây dược liệu; xã Lâm Trạch trồng ớt: xã Lý Trạch phát triển hoa và cây ăn quả; thị trấn Nông trường Việt Trung, xã Phú Định đầu tư phát triển cây ăn quả, dược liệu; xã Vạn Trạch chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang thực hiện mô hình cá-lúa, dưa hấu... Một số xã, như: Nam Trạch, Xuân Trạch…, đã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết sản xuất và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. 
Thu hoạch ngô sinh khối ở xã Nam Trạch.
Thu hoạch ngô sinh khối ở xã Nam Trạch.
Ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho hay: “Nam Trạch là xã có diện tích trồng ngô sinh khối lớn nhất huyện Bố Trạch, mỗi năm gieo trồng hơn 100ha. Từ vụ đông-xuân 2016-2017 đến nay, Nam Trạch sử dụng giống ngô NK4300 và NK7328 là giống chủ lực. Trong đó, giống ngô sinh khối NK7328 thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất sinh khối lớn, trung bình từ 45-50 tấn/ha. Cứ 1 sào trồng ngô sinh khối, trừ chi phí đầu vào, phân bón, thu lãi khoảng 1 triệu đồng, tương đương nếu trồng 1ha, lãi khoảng 25-27 triệu đồng/vụ”.
 
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Trọng Tuyển cho biết thêm: “Hiện nay, mỗi năm trên địa bàn huyện Bố Trạch gieo trồng 300ha ngô sinh khối, tập trung ở xã Nam Trạch và Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình. Đặc biệt, xã Nam Trạch đã chuyển đổi 100ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô lấy thân mang lại hiệu quả gấp 3 lần so với trồng sắn. Ngoài ra, toàn huyện hiện có gần 100ha cây dược liệu, trong đó, có 30ha thuộc danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2016-2020, gồm: cà gai leo, chè hòe, đinh lăng, kim tiền thảo và ba kích. Trên địa bàn huyện cũng đã thành lập được 5 tổ hợp tác trồng cây dược liệu, 1 cơ sở sản xuất, cung ứng cây giống dược liệu và 3 cơ sở tham gia trồng, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu; thu nhập bình quân của các hộ tham gia trồng cây dược liệu đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm...”.
 
Theo ông Trần Trọng Tuyển, chất lượng giống cây trồng chủ lực trên địa ban huyện Bố Trạch đã có sự chuyển biến đáng kể; năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên, góp phần bảo đảm mục tiêu sản lượng lương thực 45.000 tấn/năm. Các mục tiêu về diện tích, sản lượng, giá trị, thu nhập từ trồng nấm, cây dược liệu, cây ăn quả cũng đạt kế hoạch đề ra. 
 
Chất lượng công tác chuyển đổi cây trồng đã có sự chuyển biến về chất nhờ việc áp dụng công nghệ cao và các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ. Điển hình, như: nông sản sạch của HTX sản xuất rau sạch An Nông, ổi của cơ sở Tâm An, cam của hộ ông Bế Văn Mai, nấm của HTX Tuấn Linh. Các cơ sở có truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm dược liệu và tiêu gồm có HTX sản xuất, kinh doanh cây dược liệu xã Cự Nẫm, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình, HTX Nông nghiệp tiêu Phú Quý...
Vùng gò đối phía Tây Bố Trạch được phủ xanh nhờ chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Vùng gò đồi phía Tây Bố Trạch được phủ xanh nhờ chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp-HTX-hộ nông dân được hình thành. Nhờ vậy, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân khá thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao, khuyến khích được thành viên HTX và nông dân tham gia liên kết. Điển hình, như: chuỗi sắn (liên kết giữa người dân và Nhà máy tinh bột sắn Sông Dinh, Nhà máy tinh bột Long Giang); chuỗi cây dược liệu (liên kết giữa người dân, tổ hợp tác với chi nhánh Công ty Sơn Trung Du tại Quảng Bình)... Một số sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu có uy tín với thị trường và được nhiều người biết đến, như: rau sạch Dũng Na, dầu lạc Phong Nha, cao cà gai leo Thanh Bình, tiêu Phú Quý...
 
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi cây trồng của huyện Bố Trạch cũng còn nhiều hạn chế, như: năng suất, chất lượng các cây trồng chủ lực đã có sự cải thiện nhưng cơ cấu bộ giống lúa, ngô vẫn còn quá nhiều chủng loại; các cây trồng, như: lúa, ngô, lạc, sắn, cao su, tiêu..., mang lại thu nhập vẫn còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng; công tác chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả chưa đạt mục tiêu đề ra. Thêm vào đó là tình trạng bỏ hoang diện tích lúa vụ hè-thu ở một số địa phương ngày càng nhiều nhưng thiếu giải pháp căn cơ để giải quyết.
 
“Dù có những khó khăn, trở ngại nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là ứng dụng công nghệ cao phải thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản và của ngành nông nghiệp Bố Trạch. Vì vậy, trong thời gian tới, Bố Trạch tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trên các cây trồng lợi thế của huyện. Đồng thời, huyện tăng cường công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào ứng dụng thực tiễn, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp”, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ khẳng định.
                                                                                              
    Hương Trà

tin liên quan

Phát hiện 2 ô tô vận chuyển lợn không có giấy tờ hợp pháp
Phát hiện 2 ô tô vận chuyển lợn không có giấy tờ hợp pháp

(QBĐT) - Ngày 8-3, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết, đang tạm giữ 2 xe ô tô và tổng cộng 56 con lợn (mỗi con có trọng lượng từ 80 -100kg) để lấy mẫu xét nghiệm.

Xã đạt chuẩn nông thôn mới là "cú hích" phát triển kinh tế-xã hội
Xã đạt chuẩn nông thôn mới là "cú hích" phát triển kinh tế-xã hội

(QBĐT) - Phải nói rằng, từ khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, tỉnh Quảng Bình là địa phương trong cả nước luôn xếp thứ hạng cao với những thành quả hết sức đáng ghi nhận. Hiện, toàn tỉnh đã có 73 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 53,7% số xã; đạt trung bình 16,1 tiêu chí/xã, cao hơn 0,4 tiêu chí/xã so với cả nước; không còn xã nào dước 5 tiêu chí.

Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta…
Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta…

(QBĐT) - Với sự cần cù, chịu khó và khát vọng làm giàu, người dân xã Vạn Trạch (Bố Trạch) đã biến nhiều diện tích đất trống, bỏ hoang, kém hiệu quả thành những vùng gò đồi trù phú, ấm no...