(QBĐT) - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống. Thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã triển khai có hiệu quả việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời, hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Mới đây, UBND thị xã Ba Đồn đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị với Tập đoàn Quế Lâm (TP. Hồ Chí Minh). Tập đoàn Quế Lâm là một trong những tập đoàn nổi tiếng làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của cả nước.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm đã khẳng định sẽ bắt tay ngay vào công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy của người dân, giúp bà con nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của sản xuất hữu cơ; tiếp đó, Tập đoàn sẽ lựa chọn các bước đi phù hợp, lựa chọn hợp tác với từng mô hình…
Mục đích của thỏa thuận hợp tác là nhằm xây dựng cơ sở khung pháp lý để hai bên xây dựng các chương trình, kế hoạch dự án về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Hai bên sẽ hợp tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân tham gia về quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ; cung cấp, hướng dẫn nông dân sử dụng có hiệu quả các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ vi sinh cao cấp Ông Lam, phân hữu cơ khoáng, các chế phẩm sinh học mang thương hiệu Quế Lâm trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
![]() |
Trên cơ sở vùng sản xuất nông nghiệp đã có quy hoạch, hai bên cùng hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với một số cây trồng vật nuôi chủ yếu: 5ha lúa tạị xã Quảng Hòa và 2 mô hình nuôi lợn hữu cơ tại xã Quảng Tiên.
Hai bên cùng nhau xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản hữu cơ trên địa bàn. Cùng với đó, sẽ thành lập các chuỗi chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ trên địa bàn thị xã; đồng thời, hợp tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của thị xã Ba Đồn đến các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Hiện tại, thị xã Ba Đồn đang hoàn thiện kế hoạch sản xuất lúa và chăn nuôi lợn hữu cơ trên địa bàn nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch. Theo đó, thị xã tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người sản xuất về sản xuất nông nghiệp sạch, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng thời, thị xã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại những nơi có đủ điều kiện trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, ngày 29-8-2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ và bộ tiêu chuẩn quốc gia có liên quan; hình thành và phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất lúa và chăn nuôi lợn hữu cơ theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của địa phương; áp dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; tạo các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cung cấp cho thị trường, qua đó, tăng thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị sản xuất.
Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thị xã đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, như: tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu phát triển và điều kiện tự nhiên đáp ứng yêu cầu về sản xuất xuất lúa và chăn nuôi lợn hữu cơ; trên cơ sở đăng ký của UBND các xã, phường để xây dựng các mô hình điểm về sản xuất xuất lúa và chăn nuôi lợn định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ; các mô hình điểm phải được xây dựng khép kín theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Thị xã cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch sản xuất lúa và chăn nuôi lợn hữu cơ trrên địa bàn thị xã Ba Đồn.
Thị xã khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, làm đất, gieo cấy, xây dựng các xưởng chế biến đối với sản xuất lúa hữu cơ; ứng dụng tự động hóa trong chăn nuôi đối với chăn nuôi lợn hữu cơ. Thị xã triển khai tổ chức tập huấn về kỹ thuật, kỹ năng, nhận thức, hiểu biết về quy định, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ đến các hộ nông dân, chủ cơ sở và người sản xuất trực tiếp trong vùng sản xuất lúa và chăn nuôi lợn hữu cơ; có chính sách hỗ trợ cho người nông dân…
Có thể nói, trước nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực, việc lạm dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất cây trồng đang trở thành vấn đề cần được quan tâm cải thiện. Do đó, cần chú ý phát triển nền nông nghiệp sạch nhằm đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu người dân. Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân thị xã, thời gian tới, kỳ vọng nông nghiệp hữu cơ chắc chắn sẽ không còn xa lạ, mà ngược lại sẽ trở thành thói quen sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Lệ Hằng
(Đài TT-TH Ba Đồn)