(QBĐT) - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đang được huyện Lệ Thủy nỗ lực triển khai với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, qua đó, tạo động lực, tiếp sức cho các địa phương xây dựng nông thôn mới bền vững.
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Lệ Thủy phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng. Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn được hình thành, như: mô hình trồng cam Vũ Quang, dứa thương phẩm, sản xuất lúa chất lượng cao, khoai lang, HTX rau an toàn. Chính vì vậy, việc triển khai chương trình OCOP sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chương trình cũng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.
Lệ Thủy hiện có 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm: làng nghề nón lá Quy Hậu (Liên Thủy), làng nghề chổi đót Lệ Bình (Mai Thủy), làng nghề chiếu cói An Xá (Lộc Thủy), làng nghề mộc mỹ nghệ, đan lát Xuân Bồ (Xuân Thủy) và làng nghề rượu Tuy Lộc (Lộc Thủy). Những năm gần đây, doanh thu bình quân một làng nghề ở Lệ Thủy đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm, thu hút trên 1.842 lao động tham gia với mức thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
Toàn huyện có 96 HTX, 188 tổ hợp tác các làng nghề, đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là chủ yếu. Chương trình OCOP được xây dựng dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị do các doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. Do đó, chương trình OCOP mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong huyện phát triển những sản phẩm truyền thống lợi thế, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện, hiệu quả kinh tế đem lại từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc biệt là các sản phẩm từ nghề truyền thống chưa cao. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; vấn đề thương mại hóa sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh còn thụ động, dẫn đến hiệu quả, tính bền vững chưa cao.
Để thực hiện được mục tiêu “Mỗi xã một sản phẩm”, nhiệm vụ trước mắt là các địa phương điều tra, khảo sát, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác các sản phẩm thế mạnh ở mỗi vùng, quy hoạch hướng phát triển và xây dựng đề án triển khai thực hiện. Theo đó, Văn Phòng nông thôn mới huyện; Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện phối hợp với VNPT Quảng Bình hỗ trợ 15 sản phẩm về nhãn mác, bao bì, logo và tem truy xuất nguồn gốc. Dự kiến khi hoàn thành, các sản phẩm này sẽ đạt tiêu chuẩn 3 sao theo bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm chương trình OCOP.
Với lợi ích của chương trình OCOP mang lại, năm 2019 này, Lệ Thủy đang triển khai xây dựng 36 sản phẩm sản xuất theo hướng OCOP, đó là: tinh bột nghệ Vân Di, rau Hòa Luật Nam (xã Cam Thủy), mướp đắng sạch xã Hưng Thủy, nén Hoa Thủy, gà đồi Lệ Thủy, mè xửng Hiếu Kiên, ớt bột Hồng Thủy…Theo đó, những sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được huyện Lệ Thủy tập trung phát triển căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương và là những sản phẩm có thị trường rộng mở.
Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, huyện Lệ Thủy quyết tâm xây dựng, triển khai thành công chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Hồng Mến
(Đài TT-TH Lệ Thủy)