(QBĐT) - Để Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đi sâu vào thực tiễn, nhiều phong trào, cuộc vận động đã được tổ chức rộng rãi trên địa bàn tỉnh, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Chính những phong trào, cuộc vận động này là "thước đo" cụ thể nhất cho sự hài lòng của mỗi người dân, đồng thời, thông qua đó, từng chủ thể nông thôn mới nhận thức được vai trò, vị trí, nhiệm vụ của mình trong giữ gìn sự bền vững của nông thôn mới.
Ngày “Nông thôn mới-Đô thị văn minh” đến nay đã trở thành một phong trào rộng lớn, được thực hiện thường xuyên trên toàn huyện Lệ Thủy. Các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ và thực hiện các nội dung công việc đa dạng, phong phú.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy cho biết, kể từ tháng 8-2019, ngày “Nông thôn mới-Đô thị văn minh” được tổ chức kết hợp với Ngày toàn dân thu gom rác thải và được triển khai 1 lần/tháng, qua đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào, tạo sức lan tỏa sâu rộng.
![]() |
Trong 10 tháng đầu năm 2019, toàn huyện Lệ Thủy đã tổ chức được 16 ngày nông thôn mới, thu hút hơn 65.000 lượt người tham gia, trong đó huy động hơn 12.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị.
Các công việc cụ thể được triển khai, như: vệ sinh, phát quang đường xã, đường làng, đường ngõ xóm; trồng hoa 2 bên các trục đường liên xã, thôn, các tuyến đường ngõ, xóm, tại trụ sở các cơ quan, đơn vị; vệ sinh dọc bờ sông, bờ kè trên sông Kiến Giang; nạo vét các tuyến kênh mương, thi công một số tuyến đường, đổ đá dăm, vệ sinh đồng ruộng, cải tạo vườn tạp...
>> Kỳ 2: Nông thôn mới, khí thế mới
>> Kỳ 1: "Bài toán" thu nhập có lời giải-mấu chốt của sự hài lòng
Phong trào ngay lập tức được người dân toàn huyện hưởng ứng, góp phần mang lại một không khí, diện mạo mới cho vùng nông thôn Lệ Thủy, giải quyết tiêu chí môi trường-vốn là "điểm nghẽn" của không ít địa phương. Tuy nhiên, phong trào “Ngày nông thôn mới - Đô thị văn minh” thực hiện chưa đồng đều, vẫn còn hiện tượng công chức, viên chức ít tham gia cùng thôn xóm, ý thức tự giác tham gia của người dân chưa cao; các mô hình kiểu mẫu: Khu dân cư, Hợp tác xã, Vườn hộ, Đoạn đường tự quản kiểu mẫu chưa đạt lộ trình theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng các mô hình kiểu mẫu được xem là "điểm nhấn" trong xây dựng nông thôn mới của huyện Lệ Thủy và đã đạt những kết quả tích cực. Đối với khu dân cư kiểu mẫu, huyện hiện có 2 khu dân cư đạt 7/10 tiêu chí (Phan Xá, Xuân Lai); 2 khu dân cư đạt 5/10 tiêu chí (Thượng Phong, Thuận Trạch); 1 khu dân cư đạt 4/10 tiêu chí (Hòa Tân); 2 khu dân cư đạt 3/10 (Tân Truyền, Long Đại); ngoài ra, nhiều tiêu chí ở các khu dân cư cũng đã tiệm cận đạt.
Các khu dân cư vẫn đang tiếp tục triển khai xây dựng theo các tiêu chí kiểu mẫu, tập trung chủ yếu vào việc cải tạo vườn tạp, xây dựng hàng rào xanh, nâng cấp thêm đường giao thông; xây dựng vườn hộ kiểu mẫu; các đoạn đường kiểu mẫu; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng dọc các trục đường thôn, xóm; bổ sung thêm hệ thống biển báo giao thông theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.Mục tiêu đến năm 2020, Lệ Thủy sẽ có 2-3 khu dân cư kiểu mẫu.
Đối với HTX kiểu mẫu, đến nay, huyện đã có 2 HTX đạt 4/5 tiêu chí (Lộc Thượng, Thượng Phong); 1 HTX giữ nguyên 1 tiêu chí (Quy Hậu). Một số tiêu chí khác các HTX cũng đã tiệm cận đạt. Đối với vườn hộ kiểu mẫu, Văn phòng NTM-OCOP huyện đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn có liên quan tiến hành thẩm định và công nhận 14 vườn hộ kiểu mẫu. Các vườn còn lại trong quá trình triển khai thực hiện. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2019, Lệ Thủy sẽ có 35-40 vườn mẫu được thẩm định công nhận.
Theo ông Hoàng Tiến Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, các phong trào hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc thu hút sự quan tâm, tham gia của người dân nông thôn. Nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức, đoàn thể đã triển khai các phong trào sâu sát, hiệu quả, mang lại những tín hiệu tích cực.
![]() |
Thời gian tới, để nông thôn mới đi vào thực chất, cần đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua để xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình tiếp tục hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là chú trọng các chuỗi liên kết sản xuất, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường để xây dựng nông thôn mới bền vững; quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu trong giai đoạn mới.
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới, quán triệt tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.
Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Các sở, ban, ngành, địa phương đưa vào chương trình công tác hàng năm các nhiệm vụ của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Nội dung xây dựng nông thôn mới phải trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của địa phương và của các cơ quan có liên quan.
Mai Nhân