Thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi

  • 08:12, 31/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXD NTM), ngành Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Quảng Bình đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân ở khu vực nông thôn, vùng núi đặc biệt khó khăn…

Tiêu chí quan trọng

Trong giai đoạn hội nhập, TT-TT ngày càng chứng tỏ vai trò là bộ phận quan trọng của kết cấu kinh tế-xã hội, là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, nhất là khu vực vùng nông thôn, vùng núi đặc biệt khó khăn.

Theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, xã đạt tiêu chí NTM về TT-TT (tiêu chí số 8) phải đáp ứng được các điều kiện của 4 nội dung: có điểm phục vụ bưu chính; có dịch vụ viễn thông, internet; có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn và có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành.

Theo lãnh đạo các xã, đây là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương nhưng thực hiện cũng rất khó khăn, đặc biệt là ở các xã miền núi. Bởi lẽ, ở các xã này, địa hình vùng núi cao, dân cư phân bố thưa thớt, nhiều thôn, bản cách xa trung tâm xã… Vì vậy, việc thực hiện tiêu chí TT-TT, đặc biệt là chỉ tiêu xã có đài truyền thanh, hệ thống loa đến các thôn, bản là nội dung rất khó thực hiện.

Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa (Minh Hóa) cho biết, đối với tiêu chí TT-TT, hiện tại, xã Dân Hóa có 2 nội dung chưa đạt đó là có điểm phục vụ bưu chính và đài truyền thanh, hệ thống loa đến các thôn bản.

Ngành TT-TT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về XDNTM.
Ngành TT-TT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về XDNTM.

“Việc có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn, bản sẽ giúp xã đưa các văn bản, hướng dẫn của tỉnh, huyện và các bản tin tuyên truyền pháp luật đến với người dân kịp thời, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đối với xã Dân Hóa, đây là một nội dung rất khó khăn, bởi lẽ xã có đến 12 bản, phân bố cách xa nhau, điều kiện đi lại khó khăn…”, ông Hạnh chia sẻ.

Không riêng gì xã Dân Hóa, đến thời điểm này, toàn huyện Minh Hóa mới chỉ có 8/15 xã đạt tiêu chí TT-TT. Ngoài ra, hạ tầng mạng lưới của đài truyền thanh ở một số xã bị xuống cấp, chưa phát huy hết tác dụng của hệ thống loa truyền thanh đến các thôn, xóm để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.

Không chỉ với các xã đang phấn đấu đạt NTM mà đối với các xã đã đạt, để củng cố, giữ vững chỉ tiêu số 8, việc đầu tư cơ sở hạ tầng để bảo đảm công tác tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đang là vấn đề cần được quan tâm thường xuyên.

“Giảm nghèo” thông tin

Thực chất, tiêu chí TT-TT hướng đến mục tiêu cơ bản là đưa thông tin về cơ sở, góp phần “giảm nghèo” về thông tin. Bốn nội dung của tiêu chí số 8 đều nằm trong quá trình xây dựng các thiết chế thông tin cơ sở phù hợp với giai đoạn hội nhập, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ thông tin ở khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn…

Với chức năng và nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở TT-TT đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư cơ sở hạng tầng, phối hợp với chính quyền các địa phương để thực hiện tốt tiêu chí số 8. Ngành TT- TT đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, dễ hiểu, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về chương trình MTQGXD NTM.

Hạ tầng bưu chính viễn thông, hệ thống đài truyền thanh cơ sở được tăng cường đầu tư, phát triển mới đã phát huy hiệu quả thiết thực. Hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống phần mềm dùng chung đã được Sở TT-TT triển khai đồng bộ về tận các xã (trừ 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch). Đến nay, toàn tỉnh đã có 117/136 xã đạt tiêu chí TT-TT.

Xác định TT-TT là một tiêu chí quan trọng trong chương trình MTQGXD NTM, trong thời gian tới, ngành TT-TT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đầu tư hạ tầng bưu chính, hạ tầng internet theo hướng mở rộng mạng lưới tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị liên quan đầu tư mới, thường xuyên nâng cấp đài truyền thanh xã…

“Thực hiện tiêu chí TT-TT trong xây dựng NTM, trong đó chú trọng xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại đến cấp xã để triển khai các ứng dụng hiệu quả phần mềm dùng chung, xây dựng chính quyền điện tử; góp phần “giảm nghèo” thông tin, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh…”, ông Hoàng Việt Hùng, Giám đốc  Sở TT-TT chia sẻ.

Phan Phương

tin liên quan

Hội doanh nhân trẻ tổ chức Gala khát vọng Quảng Bình
Hội doanh nhân trẻ tổ chức Gala khát vọng Quảng Bình

(QBĐT) - Thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào doanh nhân tỉnh Quảng Bình năm 2019, phong trào khởi nghiệp năm 2019, ngày 30-12, Hội Doanh nhân trẻ phối hợp với cộng đồng khởi nghiệp tổ chức Gala khát vọng Quảng Bình.

Thị xã Ba Đồn: 100% diện tích đất canh tác được cơ giới hóa
Thị xã Ba Đồn: 100% diện tích đất canh tác được cơ giới hóa
(QBĐT) - Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thị xã Ba Đồn đã đẩy mạnh sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản và tăng lợi nhuận trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.
 
Thị xã Ba Đồn: Đầu tư hơn 317 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng
Thị xã Ba Đồn: Đầu tư hơn 317 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng
(QBĐT) - Thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Năm 2019, thị xã đã huy động và đầu tư hơn 317 tỷ đồng cho lĩnh vực xây dựng cơ bản.