(QBĐT) - Những năm qua, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ là câu chuyện riêng của NHCSXH mà đã trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị tại huyện Quảng Trạch. TDCS thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh” đối với nhiều hộ gia đình trong việc bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Để giúp các hộ nghèo sử dụng vốn vay của NHCSXH hiệu quả, hàng năm, các hội, đoàn thể đã phối hợp với các phòng, ban liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn cho trên 2 nghìn lượt hộ nông dân về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật sản xuất.
Các tổ chức hội trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã hướng hội viên đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tập trung vào mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ gia đình (vườn, ao, chuồng, trồng rừng) tùy theo thế mạnh, đặc điểm ở từng vùng, từng địa phương.
Điển hình có gia đình chị Nguyễn Thị Liển ở thôn Hải Lưu, xã Quảng Tiến. Tận dụng lợi thế vùng gò đồi, chị Liển đã quyết định vay vốn NHCSXH huyện Quảng Trạch để cải tạo khu vườn và trồng hơn 100 gốc tiêu.
![]() |
Qua gần ba năm chăm bón, những gốc hồ tiêu ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế, chị Liển tiếp tục mạnh dạn vay 80 triệu đồng từ nguồn vay dành cho hộ mới thoát nghèo tại PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch để đầu tư trồng thêm gần 150 gốc tiêu, nâng tổng số gốc hồ tiêu lên 250. Nhờ dám nghĩ dám làm, Chị Liển từng bước giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng với nguồn thu nhập ổn định mỗi năm gần 100 triệu đồng.
Nhằm nâng cao hiệu quả liên kết trong sản xuất kinh doanh, huyện Quảng Trạch đã thành lập được nhiều câu lạc bộ làm kinh tế giỏi. Đây là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua “giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, qua đó, tạo điều kiện giúp người nông dân gắn kết, chia sẻ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau làm kinh tế.
Ngoài ra, nguồn vốn TDCS đã giúp nhiều khách hàng phát triển và duy trì những làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: làm mây tre đan ở xã Quảng Phương, nghề rèn ở Quảng Hòa; nghề đan mặt mây ở Quảng Văn; nghề làm bánh tráng ở Quảng Thanh; nghề chế biến thủy hải sản ở Quảng Xuân, Quảng Phúc và Cảnh Dương...
Bên cạnh công tác cho vay, PGD NHCSXH huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay; đồng thời tuyên truyền, giám sát, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay đúng đối tượng, mục đích sử dụng vốn; chấn chỉnh, xử lý tồn tại, đáp ứng nhu cầu và đem lại hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay. Nguồn vốn lớn và mạng lưới phục vụ về tận các thôn xóm đã góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Ban đại diện Hội đồng quản trị thường xuyên được kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đến nay, 18/18 Chủ tịch UBND xã đã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện, thường xuyên tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát... Tính đến ngày 30-11-2019, dư nợ tín dụng toàn huyện đạt gần 458 tỷ đồng với trên 14.000 khách hàng vay vốn.
Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, trên 8 nghìn lao động có việc làm mới, phát triển và khôi phục lại nhiều ngành nghề trên địa phương. Học sinh sinh viên thuộc hộ gia đình khó khăn đã được hỗ trợ cho vay để trang trải chi phí trong quá trình học tập. Có trên 9 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ngày càng được xây dựng kiên cố. Các hộ nghèo mạnh dạn xây dựng nhà ở, bảo đảm phòng tránh bão lụt, yên tâm làm ăn.
Những kết quả đạt được trong việc thực hiện công tác TDCS trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.
Hiền Phương