(QBĐT) - Quảng Bình hiện có 150 hồ chứa, 211 đập dâng thủy lợi. Trong đó, 54 hồ chứa, 3 đập dâng được xếp loại hạng lớn và vừa. Hầu hết, tất cả các hồ chứa đều có tràn tự do. Nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn đập, năm 2017, UBND tỉnh đã quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn đập của các địa phương, đơn vị. Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: “Theo kết quả kiểm tra, theo dõi, việc quản lý an toàn hồ đập của các địa phương, đơn vị vẫn còn nhiều tồn tại lớn…”.
Quản lý tốt để phát huy hiệu quả
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình quản lý tương đối đầy đủ, theo quy trình các hồ chứa. Theo ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty, đơn vị luôn kiểm tra tình hình các hồ chứa trước mùa mưa lũ.
“Chúng tôi tổ chức lập quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ hồ, phương án ứng phó thiên tai, bảo vệ đập, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp; đồng thời, xây dựng bản đồ ngập lụt, đăng ký an toàn đập, báo cáo hiện trạng an toàn đập và kiểm định an toàn đập theo quy định”, ông Quảng cho hay. Hiện Quảng Bình mới chỉ có 4 hồ chứa lớn do Công ty quản lý được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng…
![]() |
Chính nhờ sự quan tâm và đầu tư đúng mức nên hệ thống hồ đập, kênh mương do Công ty quản lý đã phát huy được hiệu quả tối đa. Trong vụ hè-thu năm ngoái và đông-xuân năm nay, Quảng Bình bị hạn nặng do nắng nóng kéo dài khiến các hồ đập dâng cạn kiệt nước.
Tuy vậy, nhờ nắm vững các thông số an toàn hồ đập nên Công ty đã có phương án tối ưu trong việc chống hạn. Ông Trần Hồng Quảng cho hay: “Chúng tôi khảo sát cụ thể tình hình hạn hán của 17 hồ quản lý và lên kế hoạch sát với điều kiện từng vùng, từng địa phương để điều tiết hợp lý nước tưới.
Chúng tôi tận dụng các ao hồ, khe suối để bổ sung vài tuyến mương chính dẫn về hệ thống tưới đồng ruộng”. Dù hạn nặng, nhưng gần 30 nghìn ha ruộng lúa do Công ty bảo đảm tưới tiêu vẫn có được nước tưới luân phiên, góp phần không nhỏ vào việc hạn chế thiệt hại do thiên tai, hạn hán gây ra.
Còn nhiều hạn chế
Trong tổng số 133 hồ đập do địa phương quản lý, theo báo cáo của các huyện, thành phố, thì chưa có tổ chức nào được các cấp chính quyền huyện, xã bàn giao quản lý đích thực. Các HTX nông nghiệp, thôn chỉ dịch vụ chuyên khâu tưới, còn công tác quản lý đơn thuần chỉ là quản lý hành chính chung. Các hồ đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa và cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn nên những quy định về quản lý an toàn hồ, đập thực hiện không đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, đối với các hồ chứa do địa phương quản lý, công tác quản lý an toàn đập vẫn chưa bảo đảm quy định. “Việc báo cáo tình hình hư hỏng, hiện trạng an toàn đập ở các hồ chứa vẫn còn chậm. Thậm chí qua hàng năm, nhiều địa phương vẫn lơ là trong việc báo cáo tình hình”, ông Phụng cho biết. Cũng trong thời gian qua, Chi cục đã lập dự án triển khai thực hiện việc khảo sát, lập hồ sơ an toàn hồ đập.
Tuy nhiên, một thực tế là do kinh phí quá khó khăn nên dự án lập vẫn còn nằm…trên giấy. Thực tế này dẫn đến việc các hồ, đập do địa phương quản lý không có hệ thống quan trắc hoặc đã hư hỏng không còn sử dụng được. Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cũng xác nhận rằng, việc quan trắc trong mùa mưa bão chủ yếu quan trắc mực nước hồ. Có nghĩa là, cán bộ xem, quan sát mực nước hồ bằng mắt thường để phục vụ công tác vận hành.
Là địa phương nằm trong "rốn" bão lũ hàng năm, nhưng Quảng Bình vẫn đang còn sơ sài trong quy trình vận hành hồ chứa nước. Do điều kiện nguồn vốn khó khăn, các chủ đập chủ yếu tập trung lập quy trình vận hành cho các hồ chứa lớn có tràn xả sâu. Toàn tỉnh hiện có 7 hồ có cửa van, trong đó 5 hồ đã có quy trình vận hành được UBND tỉnh phê duyệt. Còn lại 2 hồ (hồ Phú Hòa và hồ Minh Cầm) chưa có quy trình vận hành.
Riêng 143 hồ còn lại là tràn tự do chưa được lập quy trình vận hành. Như vậy, trong mùa mưa lũ, phần lớn các hồ chứa tại Quảng Bình được vận hành theo cơ chế kinh nghiệm có sẵn. Theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, việc này có ảnh hưởng rất lớn đến việc tích nước, xả lũ khi mưa lớn và trực tiếp ảnh hưởng đến việc ngập lụt vùng dân cư ở hạ du của công trình.
Một nhiệm vụ quan trọng trong quản lý Nhà nước về hồ đập là công tác kiểm định an toàn đập. Trừ các hồ chứa mới bàn giao đưa vào sử dụng, như: hồ Rào Đá (huyện Quảng Ninh), Sông Thai (huyện Quảng Trạch), Thác Chuối (huyện Bố Trạch) và một số hồ chứa được sửa chữa, nâng cấp trong những năm gần đây có hồ sơ chất lượng, hiện nay, chỉ mới có hồ chứa nước Vực Tròn đã được kiểm định (năm 2016), các hồ còn lại chưa thực hiện kiểm định an toàn đập.
![]() |
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, Quảng Bình có 5/9 hồ (dung tích trên trên 10 triệu m3 nước) đã tích nước trên 10 năm chưa được sửa chữa, nâng cấp cần kiểm định. Có 133/141 hồ (dung tích dưới 10 triệu m3) có thời gian tích nước trên 7 năm chưa được sửa chữa, nâng cấp. “Toàn bộ hồ chứa này cần được tính toán lại dòng chảy lũ đến hồ chứa, kiểm tra khả năng xả lũ của hồ để việc vận hành được an toàn”, ông Phụng nhấn mạnh…
Vướng mắc cần tháo gỡ
Tầm quan trọng của an toàn hồ đập luôn được đề cao. Thế nhưng, cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc… phục vụ cho quản lý vận hành hồ đập gần như chưa có gì. Theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, ngay cả vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu công trình hồ chứa tại các địa phương quản lý cũng không có. “Như vậy là hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, vận hành an toàn hồ đập”, ông Phụng nhấn mạnh…
Nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành cũng chưa được thống nhất. Theo ông Phan Văn Khoa, Giám đóc Sở Nông nghiệp-PTNT, một số địa phương, đơn vị, tổ chức lập các dự án đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa nâng cấp các công trình hồ, đập nhỏ và do các phòng, ban hoặc UBND xã làm chủ đầu tư.
Đó là những đơn vị không đủ năng lực chuyên ngành trong quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Các tổ chức tư vấn lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công do các chủ đầu tư thuê không đáp ứng về chất lượng dẫn đến các công trình được đầu tư xây dựng chưa bảo đảm kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả đầu tư chưa cao.
“Có những công trình được tập trung vốn quá lớn để nâng cấp cùng lúc nhiều hạng mục. Trong khi đó, những hạng mục vẫn đang bảo đảm ổn định, chưa cấp thiết phải đầu tư. Vì vậy, không phát huy hết hiệu quả của đầu tư trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn hiện nay”, ông Khoa nói.
Hiện tại, ở Quảng Bình, công tác cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ hồ đập nói riêng, các công trình thủy lợi nói chung chưa được thực hiện. Chính vì vậy, việc vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình, các hồ, đập cũng đang diễn ra.
Tâm Phùng