Lợi ích "kép" cho doanh nghiệp và nông dân

  • 10:12, 30/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Năm 2019, thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh giao Sở Công thương triển khai thực hiện thí điểm các dự án mô hình doanh nghiệp-hộ kinh doanh-nông dân tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư nông nghiệp. Theo đó, người nông dân yên tâm sản xuất do sản phẩm được bao tiêu với giá cả hợp lý, có điều kiện tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng, tạo ra nguồn hàng bảo đảm an toàn. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ chủ động được trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, mở rộng quy mô tiêu thụ, tăng cường năng lực cạnh tranh.

Những năm qua, Quảng Bình đã triển khai có hiệu quả việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được mô hình cánh đồng lớn với diện tích 7.500 ha, trong đó, vùng thâm canh lúa hơn 2.300ha, sắn 4.700ha, ngô 102ha, khoai lang 100ha…

Khoảng 90% sản lượng của mô hình cánh đồng lớn được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết bao tiêu, lợi nhuận tăng 16-21% so với diện tích không thực hiện cánh đồng lớn. Tuy nhiên, con số thực tế vẫn khá khiêm tốn so với diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh gần 90.000 ha.

Thực trạng trên cho thấy, nền nông nghiệp tỉnh vẫn chưa phát triển như mong muốn, bà con nông dân cơ bản vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực mang tính truyền thống, đặc trưng của Quảng Bình.

Tình trạng "được mùa, rớt giá", hiện tượng người nông dân “lúc trồng, lúc phá” thường xuyên xảy ra dẫn tới việc thua lỗ, kinh tế mất ổn định, các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu bảo đảm chất lượng để sản xuất.

Mô hình tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư để sản xuất nông nghiệp mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân.
Mô hình tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư để sản xuất nông nghiệp mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn vẫn bị động trong việc tạo ra nguồn nông sản, chủ yếu là thu mua gom nông sản để kinh doanh, xuất khẩu thô, giá trị thấp, chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thu nhập của cả nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp thiếu ổn định.

Trước bối cảnh đó, năm 2019, các dự án mô hình doanh nghiệp-hộ kinh doanh-nông dân tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư nông nghiệp ra đời. Mục tiêu của dự án là xây dựng mối liên kết lâu dài, bền vững giữa các bên liên quan, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng để mở ra hướng đi tích cực giúp cho sản xuất gắn với kinh doanh tiêu thụ.

Trong đó, lợi ích của nhà nông là yên tâm, ổn định và chủ động sản xuất, nâng cao hiểu biết về kỹ thuật nông nghiệp, thông tin thị trường, sử dụng đúng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo đảm hiệu quả. Trong mô hình, hộ kinh doanh giữ vai trò kết dính giữa doanh nghiệp và nông dân.

Ông Đào Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía.

Tuy nhiên, xung quanh việc tôn trọng thực thi hợp đồng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến số lượng hợp đồng được thực hiện nghiêm chỉnh quá ít và tính bền vững chưa cao. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản xuất còn chưa hiệu quả, khó hình thành vùng chuyên canh, thậm chí phá vỡ quy hoạch.

Cũng theo ông Tuấn, vấn đề đặt ra là giữa doanh nghiệp và nông dân cần gắn kết lợi ích, hài hòa trách nhiệm. Làm tốt việc liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ là lợi thế rất lớn trong việc hạn chế tình trạng bỏ đất, bỏ vụ đang có xu hướng ngày càng mạnh gần đây.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng mở rộng, người nông dân không thể đơn thương độc mã đi ra “chợ” thế giới. Với việc tăng trưởng đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên đã chứng minh được vị trí, vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt liên kết trong chuỗi giá trị.

Nếu chỉ có một mình nông dân, chắc chắn con đường của họ chỉ ra đến chợ làng, chợ huyện, còn vươn ra "chợ" thế giới thì phải có vai trò của doanh nghiệp. Liên kết nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị là con đường tất yếu, là giải pháp, động lực để phát triển nền sản xuất hàng hóa.

Bởi vậy, việc ứng dựng, nhân rộng mô hình doanh nghiệp-hộ kinh doanh-nông dân sẽ tạo thành một vòng tròn tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư để sản xuất nông nghiệp, kiểm soát được việc sản xuất an toàn phục vụ cho người tiêu dùng, góp phần tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nâng cao thu nhập cho người dân.

X.Phú

tin liên quan

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

(QBĐT) - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến Phong Nha, chào năm mới
Đến Phong Nha, chào năm mới

(QBĐT) - Năm 2019, lần đầu tiên Quảng Bình tổ chức chương trình "Chào năm mới" (Phong Nha Countdown Party) tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, thu hút hơn 1 vạn người theo dõi trực tiếp và gần 500.000 lượt khán giả theo dõi, tương tác qua các kênh mạng xã hội.

Bố Trạch:  Phá "thế độc canh" của cao su
Bố Trạch: Phá "thế độc canh" của cao su

(QBĐT) - Bố Trạch từng được xem là "thủ phủ" của cây cao su trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau thiệt hại do các đợt thiên tai từ năm 2013 đến nay cùng với giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp, diện tích cây cao su trên địa bàn huyện Bố Trạch đã và đang có xu hướng giảm dần.