Khai mở nông sản sạch ở huyện miền núi Tuyên Hóa

  • 08:12, 29/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau gần 3 năm triển khai, mô hình sản xuất nông sản sạch trong nhà kính của anh Nguyễn Văn Tấn, ở thôn 2 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Thành công của mô hình đã mở ra một hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp huyện miền núi này và từng bước tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Những năm qua, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã mang lại thành công cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, ngoài các mô hình phát triển kinh tế chủ lực chuyên về cây ăn quả, cây trồng ngắn ngày, như: ngô, lạc..., người dân cũng có hướng thiên về sản xuất chăn nuôi.

Khi đến thăm mô hình của anh Nguyễn Văn Tấn ở thôn 2 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một màu xanh đầy sức sống từ trang trại trồng nông sản sạch trong nhà kính của gia đình. Đây là mô hình sản xuất nông sản sạch bằng phương pháp nhà kính có quy mô đầu tiên trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa.

Tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Huế, thêm 5 năm làm cán bộ phụ trách nông nghiệp tại xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, anh Nguyễn Văn Tấn tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp.

Mô hình trồng nông sản sạch trong nhà kính của anh Nguyễn Văn Tấn mở ra hướng phát triển mới cho nông sản sạch Tuyên Hóa.
Mô hình trồng nông sản sạch trong nhà kính của anh Nguyễn Văn Tấn mở ra hướng phát triển mới cho nông sản sạch Tuyên Hóa.

Được sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, anh tìm hiểu và đầu tư hơn 600 triệu đồng để trồng dưa lưới bằng phương pháp nhà kính trên diện tích 1.000m2 đất vườn của gia đình. Mô hình dưa lưới phát triển tốt đem lại mức lợi nhuận cao. Từ thành công đó, đầu năm 2019, anh Tấn quyết định tiếp tục đầu tư hơn 650 triệu đồng để mở rộng thêm 1.000 m2 nhà kính trồng dưa chuột, mướp đắng, đồng thời, đào giếng khoan, xây dựng hệ thống tưới tiêu tận gốc nhằm chủ động nguồn nước cho cây trồng.

Khi bắt tay làm mô hình, bên cạnh những kinh nghiệm đã tích lũy được, anh cũng gặp không ít khó khăn: "Làm nhà kính như thế nào? Trồng cây gì cho phù hợp? Quy trình chăm sóc, phòng sâu bệnh cho từng loại cây ra sao?... Đó luôn là những câu hỏi khiến mình trăn trở", anh Tấn chia sẻ.

Tuy nhiên, là một người ham học hỏi, anh thường xuyên tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới trên sách, báo và Internet, tham quan học hỏi các mô hình ở những địa phương khác, qua đó, chắt lọc thông tin bổ ích để áp dụng vào mô hình của gia đình. Với việc sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động, kết hợp bón phân hữu cơ và thụ phấn tỉ mỉ bằng thủ công, sau hơn hai năm thực hiện, mô hình đã cho hiệu quả kinh tế rõ nét.

Không những rút ngắn thời gian sinh trưởng, giảm thiểu chi phí nhân công, sản phẩm còn bảo đảm chất lượng, giá thành cao, ổn định. Đối với dưa lưới, anh thu hoạch 1 năm 3 vụ với sản lượng trên 4 tấn/vụ.

Với giá bán 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu về lợi nhuận hơn 250 triệu đồng/năm. Các sản phẩm như dưa chuột và mướp đắng đang bước vào thời kỳ thu hoạch, dự ước sản lượng 2,5 tấn/vụ đối với dưa chuột và 3 tấn/vụ đối với mướp đắng, giá thị trường dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, dự kiến anh thu về hơn 140 triệu đồng/vụ. Hiện nay, mô hình đang tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Tấn cho biết, hiện tại nhu cầu thị trường về nông sản sạch rất lớn. Anh đang cố gắng liên hệ, kết nối với các cửa hàng bao tiêu sản phẩm sạch trong cũng như ngoài tỉnh, tạo nguồn thu ổn định để tiếp tục tái đầu tư. Dự kiến qua năm 2020, anh sẽ mở rộng gấp đôi quy mô hiện nay.

Cùng với việc tập trung mở rộng quy mô sản xuất, tháng 4-2017, anh Nguyễn Văn Tấn quyết định thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc Quảng Bình, liên kết với 25 hộ dân khác trên địa bàn xã Thanh Hóa, hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật, giúp đỡ các thành viên thực hiện mô hình nông sản sạch tại gia đình nhằm từng bước mở rộng vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bên cạnh trồng các loại củ, quả sạch, anh Nguyễn Văn Tấn còn mạnh dạn đưa vào trồng 1,5 vạn gốc hoa cúc, 1.500 gốc hoa ly Đà Lạt theo phương pháp trong nhà kính và đầu tư san lấp 3.000 m2 diện tích đất để trồng hoa hướng dương nhằm phục vụ nhu cầu cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền sắp tới.

Mô hình của anh Nguyễn Văn Tấn bước đầu đã phát huy hiệu quả, thu lại lợi nhuận cao, đồng thời cũng mở ra một hướng sản xuất mới cho người nông dân huyện miền núi Tuyên Hóa. Tuy nhiên, trồng nông sản sạch bằng phương pháp nhà kính có chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc và thị trường đầu ra sản phẩm ổn định.

Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện của các cấp, các ngành về kỹ thuật, vốn, cũng như quỹ đất để có thể nhân rộng mô hình, từng bước nâng cao sinh kế cho người dân trên địa bàn.

X.Phú

tin liên quan

Khai trương mô hình du lịch thích ứng biến đổi khí hậu
Khai trương mô hình du lịch thích ứng biến đổi khí hậu

(QBĐT) - Chiều 28-12, Tập đoàn đầu tư Đoàn Gia khai trương mô hình du lịch thích ứng biến đổi khí hậu Đoàn Gia resort Phong Nha.

Phát triển đô thị theo hướng bền vững
Phát triển đô thị theo hướng bền vững

(QBĐT) - Với quan điểm phát triển đô thị phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, Quảng Bình đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển đô thị bền vững.

Bảo đảm cung cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020
Bảo đảm cung cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

(QBĐT) - Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang cận kề, để bảo đảm đủ số lượng, chủng loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu cho người dân, Sở Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác bình ổn thị trường gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".