(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch đề án“Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt chương trình OCOP), TP. Đồng Hới đã tập trung thực hiện những nội dung cơ bản theo đúng lộ trình đề ra. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cần sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương cùng sự tham gia tích cực của người dân…
TP. Đồng Hới có nhiều làng nghề truyền thống về nông, thủy sản, vì vậy, nếu khai thác, phát huy tốt tiềm năng sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Dựa trên lợi thế đó, chương trình OCOP được TP. Đồng Hới bắt tay vào triển khai thực hiện nhằm tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Đến thời điểm này, TP. Đồng Hới có 11 xã, phường đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó, một số địa phương đăng ký nhiều sản phẩm thế mạnh, như: phường Hải Thành với sản phẩm hải sản, bún bánh; xã Bảo Ninh với hải sản khô, nước mắm; phường Đồng Sơn có nem chả, gà thả vườn…
![]() |
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới, theo lộ trình, đến nay, chương trình OCOP đã thực hiện đến bước đánh giá, phân hạng cấp thành phố và hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh năm 2019. Theo đó, 2 sản phẩm hoàn thiện và đưa vào đánh giá phân hạng để tham gia cấp tỉnh, gồm: khoai gieo Linh Huệ và rượu sim Hùng Nhung của phường Bắc Lý.
Dự kiến, năm 2020, thành phố tiếp tục phát triển, nâng cấp các sản phẩm và đưa vào đánh giá phân hạng 4-5 sản phẩm thế mạnh của các địa phương là hải sản khô, nước mắm, bún bánh…
Từ thực tế xây dựng sản phẩm OCOP tại TP. Đồng Hới cho thấy, so với tiềm năng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thì kết quả thực hiện chưa tương xứng. Mặt khác, tiến độ triển khai chương trình khá chậm so với kế hoạch đề ra. Đáng lưu ý, việc có sản phẩm OCOP cũng là một tiêu chí để hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao, nhưng các xã vẫn lúng túng, chưa nhiều giải pháp thực hiện.
Thẳng thắn nhìn nhận, ông Nguyễn Đức Cường cho hay, chương trình OCOP khá mới nên khi triển khai gặp không ít trở ngại, khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của các chủ thể và người dân về thực hiện chương trình OCOP còn hạn chế, chưa xác định được lợi ích bản thân nói riêng và của địa phương nói chung trong việc tham gia chương trình. Mặt khác, nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chủ thể tham gia hạn hẹp. Do đó, nhiều người dân không thiết tha, “mặn mà” với việc tham gia chương trình OCOP.
Mục tiêu của OCOP là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, trọng tâm là phát triển các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương. Vì vậy, để chương trình đạt mục tiêu đề ra, góp phần mở rộng sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, TP. Đồng Hới cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa và tích cực tham gia chương trình. Chính quyền các địa phương cũng cần xác định việc xây dựng sản phẩm OCOP là một lộ trình lâu dài, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đồng thời, TP. Đồng Hới cần bám sát các chính sách đã được ban hành, nhất là nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của địa phương để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Đi đôi là hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn và kinh phí thỏa đáng cho các chủ thể tham gia chương trình.
N.L