(QBĐT) - Nuôi tằm làm thực phẩm sạch đang là hướng phát triển kinh tế mới của nhiều hộ gia đình ở xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa. Tằm làm thực phẩm sạch chỉ ăn lá sắn (một loại cây trồng sẵn có tại địa phương), do đó, người dân không phải vất vả trồng dâu làm thức ăn cho tằm.
Nhiều năm qua, bên cạnh việc đầu tư xây dựng mô hình gia trại tổng hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây hoa màu, gia đình chị Đinh Thị Thu Hiền ở thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc còn nuôi tằm làm thực phẩm sạch bỏ mối cho nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện Minh Hóa.
![]() |
Theo chị Hiền, tằm làm thực phẩm sạch có chu kỳ nuôi ngắn, từ 15-18 ngày tùy theo từng mùa và có thể nuôi từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. 10g trứng tằm giống ươm nuôi đến khi xuất bán có thể đạt trọng lượng 14-16 kg tằm, tiêu thụ hết 100 kg lá sắn.
Nhận thấy nghề nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị Đinh Thị Thu Hiền đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng gần 1 ha sắn để nuôi tằm. Với cách nuôi gối vòng, mỗi tháng, gia đình chị xuất ra thị trường từ 30-40 kg tằm thương phẩm, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi hơn 2 triệu đồng.
Thấy nuôi tằm có hiệu quả, tại xã Hóa Phúc đã có gần 100 hộ gia đình làm nghề nuôi tằm làm thực phẩm sạch. Hàng tháng, thương lái đến tận nhà để hỏi mua. Ông Đinh Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc cho biết, nuôi tằm ăn lá sắn cũng giống như nuôi tằm cho ăn lá dâu nhưng tằm ăn lá sắn là tằm thương phẩm không nhằm mục đích lấy tơ nên chu kỳ nuôi ngắn, người nuôi tằm dựa vào diện tích trồng sắn của gia đình để nuôi số vòng tằm cho thích hợp.
Với giá bán thị trường giao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/kg tằm như hiện nay, đây là một sản vật có giá trị kinh tế trên vùng núi rẻo cao này. Hóa Phúc hiện đang vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Nuôi tằm bằng lá sắn là một nghề mà bất cứ một người nông dân nào cũng có thể làm được, đặc biệt, chị em phụ nữ có thể tận dụng thời gian nông nhàn nuôi tằm, tăng thu nhập cho gia đình.
Quang Ngọc