Thu nhập ổn định từ mô hình nuôi cá đối

  • 08:10, 25/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, thời gian qua, nhiều hộ dân ở huyện Bố Trạch đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nổi bật có mô hình nuôi cá đối của người dân xã Đồng Trạch.

Anh Phan Thế Mạnh là một trong ba hộ dân đầu tiên đưa con cá đối về nuôi tại xã Đồng Trạch. Năm 2017, qua tìm hiểu biết được cá đối là loại vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, anh đã quyết định chuyển đổi 0,6 ha diện tích mặt nước của gia đình từ nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi cá đối.

Với số vốn ban đầu 70 triệu đồng, anh mua 10.000 con cá đối giống cùng với thức ăn về nuôi thử nghiệm. Sau 6 tháng thả nuôi, lứa cá đối đầu tiên cho thu hoạch với sản lượng gần 2 tấn, sau khi xuất bán trừ mọi chi phí, anh có lãi hơn 100 triệu đồng.

Anh Phan Thế Mạnh chia sẻ: “Bản thân tôi từ năm 2009 đã bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên, chỉ được mấy năm đầu còn những năm sau thì tôm hay bị dịch bệnh, rất khó nuôi.

Ngay vụ nuôi cá đối đầu tiên, anh Phan Thế Mạnh đã thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Ngay vụ nuôi cá đối đầu tiên, anh Phan Thế Mạnh đã thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Qua tìm hiểu trên mạng Internet và các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thấy cá đối đã được nuôi thành công ở nhiều nơi nên quyết định đưa về nuôi thử nghiệm. Ban đầu, tôi cũng nuôi ít, rồi sau đó tiếp tục tăng lên và thấy rất có hiệu quả”.

Để khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi cá đối, thực hiện đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi thủy sản giai đoạn 2016 - 2020", huyện Bố Trạch đã có chính sách trợ giá giống 2.000 đồng/con đối với các hộ nuôi cá đối với tổng kinh phí hỗ trợ là 146,3 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND xã Đồng Trạch cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích nuôi tôm thường bị dịch bệnh sang nuôi cá đối.

Nhờ vậy, đến nay toàn xã Đồng Trạch đã có 8 hộ nuôi cá đối với tổng diện tích hồ nuôi gần 4ha, trung bình mỗi lứa thả nuôi từ 70.000-80.000 con cá giống. Nuôi cá đối có nhiều ưu điểm, như: dễ nuôi, cá thích nghi tốt với môi trường nước ngọt cũng như nước lợ, ít dịch bệnh, đặc biệt đây là loại cá có chất lượng thịt thơm ngon nên được thị trường rất ưa chuộng, với giá thu mua tương đối cao từ 100.000-120.000 đồng/kg.

Quá trình nuôi cá đối của các hộ dân ở xã Đồng Trạch trong 3 năm qua cho thấy, tỷ lệ cá sống sau khi được thả nuôi luôn đạt trên 80% và sau 6 tháng nuôi cá đối đạt trọng lượng 3-4 con/kg.

Ông Dương Văn Chiệc, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Trạch cho biết: “Mô hình nuôi cá đối ở địa phương cho năng suất cao nên rất hiệu quả về mặt kinh tế. Vì vậy, thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình nay ra cho bà con toàn khu vực nuôi trồng thủy sản của xã nhằm góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.”

Với những ưu điểm nổi trội đã được chứng minh qua thực tế, mô hình nuôi cá đối sẽ tiếp tục được nhân rộng không chỉ ở địa bàn xã Đồng Trạch mà cả ở các địa phương khác trên địa bàn huyện Bố Trạch.

Nhờ đó, người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời, góp phần xây dựng nền nông nghiệp địa phương ngày càng phát triển đa dạng và bền vững.

Tiến Thành
(Đài TT-TH Bố Trạch)

tin liên quan

Người phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi
Người phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Những năm qua, hưởng ứng phong trào phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã nỗ lực tham gia lao động sản xuất, trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Giao lưu cùng đầu bếp Phạm Tuấn Hải
Giao lưu cùng đầu bếp Phạm Tuấn Hải

(QBĐT) - Chiều 24-10, Hiệp hội Du lịch Quảng Bình phối hợp với Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm tổ chức chương trình giao lưu giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn với đầu bếp Phạm Tuấn Hải.

Tuyên Hóa:  Tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Tuyên Hóa: Tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

(QBĐT) - Từ giữa tháng 10-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát trở lại trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Chính quyền và người dân nơi đây đang tập trung các giải pháp để ngăn chặn và phòng chống dịch.