Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP. Đồng Hới: Diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng

  • 08:10, 23/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 18-10-2019, TP. Đồng Hới đã công bố dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn phường Đức Ninh Đông. Như vậy, trong vòng hơn 1 tháng, Đồng Hới liên tiếp phát sinh 3 ổ DTLCP ở các địa phương. Trước tình hình đó, thành phố đã họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống DTLCP nhằm ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ lan rộng…

Ông Đỗ Hữu Cương, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế TP. Đồng Hới cho biết, DTLCP xảy ra đầu tiên trên địa bàn xã Lộc Ninh vào ngày 20-6-2019. Trước và sau khi công bố dịch, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thành phố, các phòng, ban và các xã, phường đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp phát cho các xã, phường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố 6.180 lít hoá chất và 54 tấn vôi để triển khai phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn thành phố.

Sau công bố dịch, phường Đức Ninh Đông đã lập chốt kiểm tra và rải vôi tiêu độc khử trùng trong phạm vi quy định.
Sau công bố dịch, phường Đức Ninh Đông đã lập chốt kiểm tra và rải vôi tiêu độc khử trùng trong phạm vi quy định.

Trước và sau khi công bố bệnh DTLCP trên địa bàn, UBND TP. Đồng Hới cũng đã chỉ đạo các phòng, ban và các xã, phường bám sát các kịch bản chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố; tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và những cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTLCP để người dân biết và phối hợp thực hiện.

Cùng với đó, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo quy định được triển khai. Do vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Đến ngày 16-8-2019, thành phố đã công bố hết dịch tại xã Lộc Ninh.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, bệnh DTLCP lại bùng phát và liên tiếp xảy ra tại 3 phường, gồm: Đồng Sơn, Đồng Phú và Đức Ninh Đông. Trong đó, gần đây nhất, ngày 14-10-2019, tại hộ gia đình ông Mai Văn Hùng, tổ dân phố Bình Phúc (Đức Ninh Đông) có 2 con lợn bị chết/14 con tổng đàn.

Sau khi tổ chức lấy mẫu và gửi Chi cục Thú y vùng III, kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với DTLCP. Do bị nhiễm DTLCP, xã Lộc Ninh đã phải tiêu huỷ 28 con lợn với trọng lượng 1.452kg; phường Đồng Sơn tiêu huỷ 2 con với trọng lượng 340kg; phường Đồng Phú tiêu huỷ 3 con với trọng lượng 170kg và phường Đức Ninh Đông tiêu huỷ 16 con với trọng lượng 640kg.

Đánh giá về tình hình DTLCP trên địa bàn hiện nay, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho biết, thực tế cho thấy, việc phát sinh ổ dịch mới xuất phát từ công tác phòng, chống bệnh DTLCP ở các địa phương còn nhiều hạn chế.

Đó là, một số xã, phường lơ là, chủ quan trong việt điều tra, giám sát dịch bệnh trên vật nuôi. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát còn thiếu thường xuyên, do vậy ý thức của một số người dân, hộ chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, nhiều trường hợp chưa khai báo kịp thời khi lợn có biểu hiện của dịch, tình hình buôn bán, giết mổ lợn không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra. Mặt khác, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng thiếu đồng bộ, nhất là giữa UBND và công an xã, phường…

Ngoài ra, thời điểm hiện nay, mưa gió kéo dài nên việc phát tán mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác theo dòng chảy rất cao, làm cho nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng rất lớn.

Lực lượng chức năng tham gia tiêu hủy lợn chết tại phường Đức Ninh Đông.
Lực lượng chức năng tham gia tiêu hủy lợn chết tại phường Đức Ninh Đông.

Ông Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP trên địa bàn, công tác phòng, chống dịch càng phải quyết liệt, khẩn trương và kịp thời. Trong đó, các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo các kịch bản của UBND tỉnh, thành phố và các văn bản chỉ đạo có liên quan.

Đặc biệt, thường xuyên tuyên truyền, theo dõi, quán triệt rõ đến người dân thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không giết mổ, tiêu thụ lợn; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về những hành vi nghiêm cấm khi động vật mắc bệnh theo quy định tại Điều 13 Luật Thú y năm 2017, gồm: nghiêm cấm việc che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do dịch bệnh; thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh động vật; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; vận chuyển động vật chết, mắc bệnh ra khỏi vùng có dịch; không thực hiện việc tiêu hủy hoặc tiêu hủy không đúng quy định động vật mắc bệnh, chết; sản phẩm động vật mang mầm bệnh…

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố tăng cường quản lý kiểm soát giết mổ, mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn theo quy định; đồng thời, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lấy mẫu, tiêu hủy, tiêu độc khử trùng…

N.L

tin liên quan

Minh Hóa:  Hơn 100 hộ dân tộc thiểu số có mô hình làm kinh tế giỏi
Minh Hóa: Hơn 100 hộ dân tộc thiểu số có mô hình làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các năm qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Minh Hóa đã thay đổi tập quán sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế, mang lại thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Lắp đặt điện mặt trời áp mái: Lợi ích từ hai phía
Lắp đặt điện mặt trời áp mái: Lợi ích từ hai phía

(QBĐT) - Trước nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày một tăng cao, trong khi thủy điện, nhiệt điện không đáp ứng đủ, một giải pháp đặt ra cho ngành Điện là chú trọng sản xuất nguồn điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt và nhiên liệu sinh học…

Lệ Thủy:  144 trang trại được cấp giấy chứng nhận
Lệ Thủy: 144 trang trại được cấp giấy chứng nhận

(QBĐT) - Để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, những năm qua, huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các xã bố trí quỹ đất để phát triển trang trại, gia trại...