(QBĐT) - Hai năm sau sự cố môi trường biển, ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân Bố Trạch nói riêng đã vượt qua muôn vàn khó khăn để tiếp tục vươn khơi. Giờ đây, đã không còn cảnh đìu hiu của bến cảng, bãi biển hay chợ cá, mỗi ngày, ngư dân Bố Trạch đang cảm nhận được sự hồi sinh mạnh mẽ và kỳ diệu của vùng biển quê hương. Câu chuyện buồn về sự cố môi trường biển dần khép lại và những niềm tin mới, động lực mới đang được mở ra.
Một ngày mới lại bắt đầu, từ trên cầu cảng Gianh, chúng tôi được chứng kiến từng đoàn thuyền nối đuôi nhau vào bờ. Niềm vui của một chuyến biển thắng lợi dường như đã hiện rõ trên gương mặt nhiều ngư dân.
Vội vã chuyển hải sản lên bờ, anh Nguyễn Văn Minh, chủ tàu vỏ thép QB 90255TS phấn khởi cho biết ,từ đầu năm đến nay, đây là chuyến biển may mắn nhất khi tàu anh đánh bắt được hơn 12 tấn hải sản các loại. Tháng 8-2017, anh mạnh dạn đóng tàu vỏ thép với công suất 550CV để khai thác những ngư trường xa bờ.
Dạn dày kinh nghiệm đi biển cùng với việc sử dụng con tàu hiện đại, nên sau mỗi lần ra khơi, tàu của anh đều trúng đậm, thu về đều đặn trên 150 triệu đồng. Anh Minh chia sẻ: “Làm nghề này là để phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Tôi cũng mạnh dạn đóng tàu tàu máy công suất lớn để vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế gia đình và nhất là tạo công ăn việc làm cho ngư dân”.
Theo đánh giá của nhiều ngư dân, năm nay thời tiết nắng ấm, ít bão, cá, mực sinh sôi nhiều. Đặc biệt, hải sản được giá, nên thường các tàu cá chỉ vào bến để tiếp nguyên liệu và lương thực trong nửa ngày, ngay sau đó sẽ tiếp tục ra khơi.
![]() |
Lúc này, trên bờ, các thương lái cũng đang tất bật thu mua, phân loại và xếp cá đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Chị Đặng Thị Phương, một thương lái ở cảng Gianh cho biết: “Ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển khiến chị em từng rất chật vật. Nhưng năm nay, biển sạch, cá tôm phong phú trở lại, dân miền biển chúng tôi phấn khởi vô cùng. Chị em thương lái có nguồn thu nhập ổn định trở lại”.
Hiệu quả từ những chuyến ra khơi đã tạo niềm tin, động lực cho ngư dân vững tin sản xuất. Trong những câu chuyện của họ, niềm tin về nghề biển chưa bao giờ vơi dẫu có những thời điểm khó khăn, ngư trường ít cá, thị trường thu hẹp do sự cố môi trường biển.
Xã Nhân Trạch (Bố Trạch) hiện có 200 thuyền máy chuyên khai thác vùng biển cách đất liền dưới 10 hải lý. Hàng ngày, cứ 4h sáng, chợ cá Nhân Trạch lại xôn xao, trên bến dưới thuyền tấp nập kẻ mua người bán. Ngư dân Lê Văn Luỵch nhanh chóng kéo từng mẻ lưới dưới thuyền lên trong niềm phấn khởi được mùa lộng. Anh Luỵch cho biết, thuyền của anh thường xuất bến từ 17h chiều, qua một đêm, anh thu về hơn 1 tạ cá các loại, trừ chi phí cho thu nhập 2-3 triệu đồng.
Bên cạnh phục hồi nghề đánh bắt, nghề chế biến hải sản của phụ nữ Nhân Trạch cũng có nhiều khởi sắc. Tại thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, hàng trăm chiếc lu, vại xếp hàng dài trong khoảng sân của rất nhiều nhà dân. Mùi nước mắm thơm lừng phảng phất trong hương gió biển mặn mòi.
Thương hiệu nước mắm Nhân Nam sau hai năm cùng người dân vượt qua khó khăn, giờ đây như được "chắp thêm đôi cánh" vươn tới thị trường trong Nam, ngoài Bắc; tự hào khi được hiện diện ở các hội chợ xúc tiến thương mại trên đất nước bạn Lào và Thái Lan.
Không chỉ có nước mắm, chị em trong vùng đang hình thành tổ hợp tác sản xuất hải sản khô với mong muốn phát huy nghề truyền thống, đưa con cá khô, mực khô của quê mình trở thành sản phẩm du lịch.
Riêng với xã Đức Trạch (Bố Trạch), mặc dù năm 2016, việc khai thác vùng biển gần bờ hầu như tê liệt, nhưng với đội tàu đánh bắt xa bờ hùng mạnh, xã vẫn vượt chỉ tiêu khai thác với hơn 8,6 nghìn tấn hải sản, đạt 106% kế hoạch. Và chỉ trong 2 năm qua, số lượng tàu có công suất lớn của xã đã tăng 200% so với năm 2016.
Tính đến nay, toàn xã có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 70 chiếc được đóng mới, với số vốn từ khoảng 7 đến 8 tỷ trở lên mỗi tàu vỏ gỗ và từ 17 đến 25 tỷ đối với tàu vỏ thép.
Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho biết: “Sau sự cố môi trường biển, nhận được tiền đền bù, ngư dân tập trung cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ để tiếp tục bám biển vươn khơi.
Thậm chí, nhiều hộ còn mạnh dạn vay thêm tiền ngân hàng để đóng mới phương tiện,nâng công suất máy để khai thác vùng biển xa. Năm 2017, toàn xã đánh bắt được trên 10 nghìn tấn hải sản các loại. Hiện nay, chính sách hỗ trợ ngư dân từ Nghị định 48, Nghị định 67 của Chính Phủ cũng góp phần đưa kinh tế biển của xã phát triển mạnh mẽ ”.
Niềm vui cứ thế nối dài, 9 tháng năm 2018, sản lượng đánh bắt hải sản toàn huyện Bố Trạch được trên 17 nghìn tấn, đạt 80% kế hoạch năm. Đây chính là minh chứng cho sự nỗ lực của ngư dân Bố Trạch. Dù khó khăn, gian khổ, “thuyền mãi là nhà, biển cả chính là quê hương” của ngư dân. Tất cả đã được những người con của biển trả lời bằng sức mạnh đoàn kết và niềm tin trong suốt 2 năm qua.
Hồng Thắm-Thành Vinh
(Đài TT-TH Bố Trạch)