(QBĐT) - Tranh thủ thời tiết nắng ráo thuận lợi, cấp ủy, chính quyền huyện Bố Trạch chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân trên toàn huyện khẩn trương triển khai các bước chuẩn bị vào sản xuất vụ đông-xuân 2018-2019.
Nhìn lại kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2018, với những nỗ lực khắc phục khó khăn, huyện Bố Trạch đã đạt được một số kết quả tương đối toàn diện, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng được nâng lên và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để thực hiện chuyển đổi bộ giống lúa và chuyển đổi cây trồng vùng gò đồi, huyện đã đề ra các giải pháp đồng bộ và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.
Trong đó, huyện đã hỗ trợ giá giống cho các địa phương với tổng kinh phí 887,7 triệu đồng (lúa 200,5 tấn, lạc 34,11 tấn, ngô 7,35 tấn). Toàn huyện cũng đã chuyển đổi được 100 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang thực hiện mô hình lúa-cá và trồng rau màu; ở vùng gò đồi đã chuyển đổi 1.000 ha sang trồng tiêu, dưa hấu, sắn, cây ăn quả, cây dược liệu, sim...
Sản xuất lúa tiếp tục có sự chuyển dịch sang loại giống có thời gian sinh trưởng trung, ngắn ngày, chiếm 60% diện tích; tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận chiếm hơn 50,1% trong vụ đông- xuân và 33% trong vụ hè-thu; cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 71% diện tích. Nhờ đó, năng suất vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lương thực năm 2018 đạt 49.831 tấn; trong đó, lúa 42.584 tấn, ngô 6.874 tấn.
Công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt của Bố Trạch cũng đã có sự chuyển biến. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 công ty đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, gồm: Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuấn Linh, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình, Công ty TNHH MTV An Nông, Công ty TNHH Dream Farm Quảng Bình, Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam.
![]() |
Đặc biệt, đã có 7 ha cây trồng các loại được đầu tư bằng công nghệ cao, điển hình như: Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam đã đầu tư 6 ha bằng công nghệ cao có thể sản xuất được quanh năm, mang lại lợi nhuận trung bình 1 tỷ đồng/ha.
Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch trao đổi thêm, năm 2018 được đánh giá là một năm sản xuất với diễn biến sâu bệnh ít phức tạp hơn so với cùng kỳ; nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại nặng trên diện rộng, nhất là chuột, bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, đã được cảnh báo và phòng trừ ngay từ đầu.
Tuy nhiên, tình hình chuột gây hại có sự gia tăng mạnh vào vụ hè-thu làm 50 ha lúa bị mất trắng; một số diện tích lúa đông-xuân bị hư hại do ảnh hưởng không khí lạnh và gió mạnh đầu vụ; các chỉ tiêu kế hoạch về diện tích lúa, diện tích lạc,... chưa đạt và đạt thấp hơn so với cùng kỳ. Cơ cấu bộ giống lúa, ngô vẫn còn quá nhiều chủng loại; tỷ lệ sử giống lạc, giống lúa cấp 1 chưa cao; nhiều địa phương chưa mạnh dạn loại bỏ các giống lúa, giống ngô đã thoái hóa; việc chuyển đổi cơ cấu bộ giống từ dài ngày sang trung và ngắn ngày còn chậm.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả chưa mạnh, nhiều địa phương chưa chú trọng nhiều đến công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tình trạng bỏ hoang diện tích lúa vụ hè-thu ở một số địa phương ngày càng nhiều nhưng thiếu giải pháp căn cơ để giải quyết; việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất cao su kém hiệu quả đang còn lúng túng, nhiều địa phương chưa xác định được cây trồng thay thế.
Theo dự báo sản xuất nông nghiệp năm 2019 có thể diễn ra trong điều kiện thời tiết bất thuận, nhất là hạn hán. Vì vậy, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát lại một số diện tích sản xuất khó khăn về nguồn nước tưới để chuyển sang một số cây trồng khác, như: trồng ngô nếp, ngô thức ăn gia súc, đậu xanh, vừng...
Huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu và vùng gò đồi; đồng thời, tổ chức tốt công tác cung ứng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp. Đối với các địa phương có diện tích bỏ hoang lớn trong các năm trước, cần có phương án chỉ đạo quyết liệt theo hướng chuyển đổi hoặc cho doanh nghiệp thuê đất lại để sản xuất.
Huyện cũng tăng cường kiểm tra, dự báo, phát hiện kịp thời để phòng trừ sâu bệnh, hạn chế thiệt hại mùa màng; đặc biệt là tập trung chỉ đạo công tác diệt chuột và theo dõi diễn biến, chủ động phòng chống bệnh khảm lá vi rút hại sắn...
Trước những cảnh báo về việc người dân trên địa bàn sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại vật tư nông nghiệp không bảo đảm, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước; đồng thời, chủ động phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh để chỉ đạo các địa phương loại bỏ hai hoạt chất dùng để diệt nấm, cỏ cho cây trồng là Carbendazim và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành.
“Hiện nay, tại các địa phương trên địa bàn huyện, bà con đã ra quân diệt chuột, xuống đồng cày ải để sớm triển khai sản xuất vụ đông-xuân. Toàn huyện quyết tâm thực hiện đạt kế hoạch với diện tích gieo trồng lúa cả năm 8.340 ha, ngô 960 ha, lạc 990 ha, sắn 3.300 ha; trong đó vụ đông-xuân 2018-2019, lúa 5.350 ha, ngô 760 ha, lạc 830 ha. Từ đó, phấn đấu năm 2019, tổng sản lượng lượng thực toàn huyện đạt 47.050 tấn”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ thêm.
Hương Trà