Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại

  • 08:10, 24/10/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những năm gần đây, xã Cam Thủy (Lệ Thủy) đã tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại. Nhiều mô hình chăn nuôi đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn xã.

Xã Cam Thủy là địa phương có diện tích đất đai khá rộng lớn. Đây là thế mạnh để xã phát triển kinh tế trang trại. Vì vậy, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn bà con tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với phát triển kinh tế trạng trại.

Để gìn giữ vệ sinh môi trường, xã đã quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và khuyến khích chủ chăn nuôi xây dựng chuồng trại theo công nghệ cao, khép kín, có hệ thống thu gom xử lý chất thải đúng nơi quy định, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác thải, phế thải chăn nuôi.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ dân trong xã đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con.

Phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở xã Cam Thủy giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở xã Cam Thủy giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bà con còn tích cực ứng dụng khoa học-kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã ước đạt 255.319 con. Tổng đàn gia cầm, thủy cầm trên địa bàn xã là 247.300 con.

Kinh tế trang trại, gia trại phát triển không chỉ giúp người dân xã Cam Thủy nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho 269 lao động nhàn rỗi ở địa phương; đóng góp tích cực vào việc giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của xã.

Đến nay, trên địa bàn  xã có 23 trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp, tổng doanh thu các trang trại, gia trại trên 25 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 19 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên hơn 33 triệu đồng/người/năm (năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,84%.

Cùng cán bộ xã, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Đăng Hùng, thôn Tân Phong. Ban đầu, với nguồn vốn ít ỏi, gia đình anh Hùng chăn nuôi quy mô nhỏ chỉ từ 3-5 hồ cá, vài trăm con ếch giống và thương phẩm, nên thu nhập không cao. Năm 2000, gia đình anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô.

Đến nay, gia đình anh đã có một mô hình trang trại chăn nuôi với 30 hồ nuôi cá giống và thương phẩm, mỗi hồ anh thả từ 5 đến 10 vạn con tùy cá lớn hay nhỏ, 50 bể nuôi với hơn 1.000 cặp ếch giống và thương phẩm.

Anh Hùng cho biết, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng gặp nhiều rủi ro, ngoài việc phải phòng, chống dịch bệnh thường xuyên, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn do giá cả đầu vào và giá cả đầu ra lên xuống thất thường, vì vậy, người chăn nuôi phải tích cực học hỏi và để ý đến từng chi tiết nhỏ trong chăm sóc vật nuôi.

Nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi qua các buổi tập huấn của địa phương, đàn vật nuôi của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Ước tính mỗi năm, doanh thu của trang trại đạt từ 400-500 triệu đồng.

Mặc dù là hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở Cam Thủy, nhưng nhiều người dân làm trang trại, gia trại nơi đây vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, vấn đề tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, còn nhiều rủi ro.

Hầu như các trang trại đều phải tự túc lo đầu ra, tự cạnh tranh trên thương trường; khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân gặp nhiều khó khăn do tài sản thế chấp của các trang trại là đất đai, trong khi giá trị đất đai ở những nơi đầu tư trang trại thường thấp. Không những thế còn phải chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh …, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết, với những kết quả bước đầu của các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn xã, thời gian tới, xã sẽ từng bước hoàn thiện việc quy hoạch vùng phát triển trang trại, gia trại, gắn với nguồn chế biến tiêu thụ sản phẩm. Xã hướng tới xây dựng hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để có chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trang trại, gắn với bảo vệ tốt môi trường sinh thái.

Phạm Hà

 

tin liên quan

Lệ Thủy: Tăng cường chỉ đạo các xã thực hiện bộ khung tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu
Lệ Thủy: Tăng cường chỉ đạo các xã thực hiện bộ khung tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu

(QBĐT) - Cùng với việc ban hành các bộ khung tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, UBND huyện Lệ Thủy đã tăng cường chỉ đạo các xã rà soát, đối chiếu và bắt tay vào triển khai thực hiện.

[Infographics] Tăng trưởng GDP năm 2018 ước đạt 6,7%
[Infographics] Tăng trưởng GDP năm 2018 ước đạt 6,7%

Năm 2018, kinh tế xã hội phát triển ổn định, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015.

 

"Cầu nối" tín dụng của phụ nữ xã Phúc Trạch
"Cầu nối" tín dụng của phụ nữ xã Phúc Trạch

(QBĐT) - Với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, có điều kiện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên trong việc vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm qua, chị Lê Thị Minh ở xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đã thực sự là "cầu nối" hiệu quả giữa chị em và nguồn vốn tín dụng chính sách.