(QBĐT) - Sau hơn hai năm triển khai Chương trình hành động số 05 về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, nhiều nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Đây chính là những lời giải quan trọng cho “bài toán” giảm nghèo bền vững.
Nâng cao dân trí
Một trong lực cản lớn trên hành trình giảm nghèo bền vững là tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân. Thực tế cho thấy, nguyên nhân đói nghèo và giảm nghèo thiếu bền vững không chỉ do môi trường, điều kiện địa lý mà còn do hoàn cảnh và đặc điểm cá nhân, hộ gia đình, trong đó mấu chốt là vấn đề tri thức.
Sự hạn chế về tri thức đã khiến người nghèo bằng lòng với thực trạng đói nghèo để được hưởng những quyền lợi của hộ nghèo mà không nhìn thấy được cái lợi to lớn của việc thoát nghèo.
![]() |
Do đó, đầu tư nâng cao dân trí cho người dân, giúp người dân có động lực vươn lên thoát nghèo là một giải pháp quan trọng cần được phối hợp thực hiện hiệu quả. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình của vùng miền, địa phương, cộng đồng, nhóm hộ. Tuyên truyền đúng hướng sẽ khơi dậy trrong người nghèo, người cận nghèo tinh thần tự giác, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Trong quá trình tuyên truyền, cần tập trung vận động, nhân rộng các mô hình, điển hình, tấm gương thoát nghèo để các hộ nghèo nỗ lực phấn đấu và thấy được việc thoát nghèo là đáng tự hào và mở ra nhiều cơ hội mới trong cuộc sống.
>> Bài 1: Khi người nghèo không muốn thoát nghèo
Từ các nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo, cần ưu tiên cho việc tổ chức tham quan các mô hình sản xuất để người dân được tham gia, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Đây là một trong những cách tuyên truyền hiệu quả, vừa góp phần nâng cao dân trí cho người nghèo, vừa giúp họ tìm ra hướng đi, tích luỹ kinh nghiệm sản xuất.
Một giải pháp quan trọng trong việc nâng cao dân trí nữa là tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác hướng nghiệp, dạy nghề, phân luồng đào tạo, nhất là đối với các em học sinh bậc học THCS và THPT.
Một khi công tác này được chú trọng đầu tư, đạt chất lượng, hiệu quả, các em học sinh, đồng thời là lực lượng lao động quan trọng sau khi tốt nghiệp, sẽ có lựa chọn đúng đắn, là theo học đại học hay cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề. Được đào tạo bài bản, có kiến thức, trình độ, nguồn lao động này sẽ phát huy hiệu quả, đồng thời là hạt nhân quan trọng đóng góp cho gia đình, cộng đồng trên hành trình giảm nghèo bền vững.
Trong đầu tư nâng cao dân trí, cần chú trọng vai trò công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình còn cao, chiếm đến 74,91% số hộ đồng bào dân tộc và chiếm 19,43% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, năng lực của cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu còn yếu, sự nhiệt tình, quan tâm đến đời sống của người dân chưa cao. Một bộ phận cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo chưa thông thạo tiếng dân tộc và các tập tục của cộng đồng cũng đã và đang ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo bền vững nói chung, công tác tuyên truyền nâng cao dân trí cho bà con nói riêng.
Cùng với việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín để thuyết phục, đồng hành cùng bà con trên hành trình GNBV là giải pháp quan trọng cần đầu tư thực hiện.
Đầu tư sinh kế, đổi mới cơ chế
Từ thực tế một bộ phận người nghèo không muốn thoát nghèo, một giải pháp quan trọng được đề cập là tập trung đầu tư sinh kế cho bà con thay cho các chính sách hỗ trợ trực tiếp. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện tại chỉ là “xâu cá”, trong khi giảm nghèo bền vững đòi hỏi người dân phải được trang bị “cần câu”.
![]() |
Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương cần nghiên cứu để chuyển dần từ việc hỗ trợ trực tiếp thành việc hỗ trợ sinh kế là chủ yếu. Trong quá trình triển khai, cần gắn trách nhiệm của người được hỗ trợ với hiệu quả của chương trình hỗ trợ. Ví dụ khi người dân được hỗ trợ bò giống phải cam kết sau hai năm sẽ thoát nghèo. Khi quyền lợi song hành cùng nghĩa vụ và trách nhiệm sẽ giúp bà con có thêm động lực thoát nghèo.
Cùng với việc đầu tư sinh kế lâu dài cho người dân, việc đổi mới cơ chế quản lý và thực hiện xoá đói giảm nghèo cũng đóng vai trò quan trọng. Do đó, trong quá trình triển khai, cần phối hợp lồng ghép các chính sách hỗ trợ người nghèo trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để hỗ trợ tốt nhất khả năng tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của các hộ dân.
Cần huy động sự vào cuộc chính đáng của các hộ nghèo bằng cách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng, người dân tham gia đóng góp bằng lao động và các vật liệu sẵn có. Việc xây dựng các chính sách hỗ trợ nhóm cận nghèo, nhóm hộ mới thoát nghèo cần bảo đảm để người dân được tiếp tục hưởng các chính sách trợ giúp về tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, học nghề trong thời gian nhất định để có đủ tiềm lực và vững vàng hơn khi tự vươn lên thoát nghèo, tránh tình trạng tái nghèo khi gặp rủi ro.
Cùng với những giải pháp nêu trên, chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng và phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá để kịp thời có các giải pháp điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình rà soát hộ nghèo… là những giải pháp mà cơ quan chức năng cần lưu ý, phối hợp đồng bộ để cùng nhau mang lại những “lời giải” hiệu quả cho “bài toán” GNBV trong giai đoạn mới.
Ngọc Mai