(QBĐT) - Nhằm tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá cả tăng đột biến trong mùa mưa bão, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2018.
Xác định việc dự trữ hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng chống lụt bão (PCLB), thiên tai. Với phương châm “4 tại chỗ”, Sở Công thương đã phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban liên quan, xây dựng kế hoạch PCLB của địa phương. Sở cũng làm việc với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh về phương án dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác PCLB trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, phương án dự trữ hàng hóa được xây dựng với phương châm tại chỗ, huy động các doanh nghiệp tại địa phương thực hiện dự trữ hàng hóa. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có Siêu thị Co.op Mart, Siêu thị Vinmart sẽ là kho dự trữ lớn về hàng hóa thực phẩm thiết yếu để sẵn sàng ứng cứu cho các địa phương trong tỉnh khi bị lũ lụt cô lập, ách tắc giao thông.
Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cung ứng cho nhân dân khi bị lũ lụt chia cắt được xác định ngắn hạn, là giải pháp tình thế, bao gồm: mỳ ăn liền, phở ăn liền các loại; bánh ép; nước uống đóng chai; muối i-ốt đóng gói…
![]() |
Phương án cung ứng mặt hàng thiết yếu khắc phục hậu quả sau lũ lụt, bao gồm: gạo, tấm lợp, xăng dầu, đinh vít, dây thép và một số vật liệu khác phục vụ cho công tác khắc phục sau lụt bão, ổn định đời sống nhân dân.
Theo kế hoạch dự trữ hàng hóa PCLB năm 2018, toàn tỉnh sẽ dự trữ khoảng 80.000 thùng mỳ tôm; 25.000 thùng lương khô; 2.000 tấn gạo; 70.000 thùng nước uống đóng chai; 1.000 tấn lương thực, thực phẩm; 7.400m3 xăng, dầu các loại; 15.000 tấm tôn lợp; 3.000 tấm lợp bằng vật liệu khác; 30 tấn đinh vít; 70 tấn dây thép và một số loại hàng hóa khác…, tổng trị giá khoảng 800 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đầu mối trong tỉnh phục vụ cho công tác PCLB trên địa bàn tham gia dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ công tác PCLB năm 2018 của tỉnh, gồm có: Siêu thị Co.op Mart Quảng Bình, Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Công ty TNHH Phú Hải, Công ty TNHH Vương Thuận, Công ty TNHH TM Minh Khiêm…
Hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối đã chú trọng xây dựng và củng cố mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời hưởng ứng “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nguồn hàng để cung ứng khi có lụt bão xảy ra được các doanh nghiệp cam kết bảo đảm đầy đủ về số lượng lẫn chất lượng, chủng loại hàng hóa và phương tiện giao hàng ứng cứu kịp thời khi có sự cố lũ lụt, bão lớn xảy ra trên địa bàn.
Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị Diến Hồng (Công ty TNHH Diến Hồng) cho biết: “Minh Hoá là huyện miền núi với nhiều địa phương có đường xá đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.
Với tư cách là đơn vị cung ứng hàng hoá chủ lực đóng trên địa bàn, chúng tôi luôn chủ động dự trữ đầy đủ các hàng hoá thiết yếu (mỳ tôm, gạo, dầu ăn, nước mắm; tấm lợp, gạch ngói…) để phục vụ cho người dân và bảo đảm giá cả luôn được giữ ổn định trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, hàng năm, Siêu thị cũng phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ gạo, mỳ tôm… cho người dân vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, lụt bão”.
Để khuyến khích các doanh nghiệp chủ động dự trữ nguồn hàng cung ứng trong mùa lụt bão, ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ phòng chống và khắc phục lụt bão khi có yêu cầu của UBND tỉnh, được hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng phần vốn dùng để dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt, thời gian dự trữ không quá 60 ngày (theo Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 30-8-2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình).
Để thực hiện tốt việc bảo đảm nguồn hàng dự trữ, phục vụ công tác PCLB, Sở Công thương cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương để nắm tình hình, tổng hợp các nhu cầu về hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân ở các vùng bị thiệt hại, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức ứng cứu kịp thời và hỗ trợ khắc phục nhanh hậu quả.
Cát Nhiên