(QBĐT) - Xác định thi đua là động lực để phát triển, những năm qua, cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng nhiều phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân thi đua ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm nông nghiệp và tiết kiệm chi phí sản xuất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của toàn tỉnh.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên từ năm 2014 đến nay, trên 70.000 lượt hộ nông dân được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh giỏi các cấp. Riêng năm 2018, có 130.706 hội viên đăng ký thi đua đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh giỏi ở 3 cấp. Không ít nông dân đã trở thành chủ doanh nghiệp và trang trại kinh tế có quy mô, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở các vùng nông thôn.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã tăng cường liên kết “4 nhà” và phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.
Các cấp hội còn vận động hội viên thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền, đổi thửa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân toàn tỉnh đã chú trọng đến việc sử dụng cơ giới hóa với các loại máy chủ đạo, như: máy gặt đập liên hợp, máy làm đất để tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động.
![]() |
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi có quy mô lớn với các loại gia súc, gia cầm được ưa chuộng trên thị trường, như: dê, hươu, gà kiến, nhím, thỏ, cá nước ngọt, nuôi ong lấy mật... xuất hiện.
Từ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân đã xây dựng được các mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao ngay tại địa phương. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi bò theo phương pháp truyền thống của anh Nguyễn Văn Viên ở xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch.
Là cử nhân chuyên ngành thú y, anh Nguyễn Văn Viên đã lựa chọn cho mình cách làm giàu bằng việc áp dụng kiến thức đã học trong thực tiễn chăn nuôi. Hiện tại, đàn bò trên 200 con được chăn thả tự nhiên của anh sinh trưởng rất tốt, ít bị bệnh tật, chất lượng thịt cao nên rất được thị trường ưa chuộng.
Nông dân toàn tỉnh còn chú trọng đến việc lựa chọn các cây, con giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm đối phó với tình hình biến đổi khí hậu. Nếu như trước đây, người nông dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) chỉ quen với việc trồng cây cao su và xem loại cây này là cây trồng chủ đạo thì nay một số hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây cao su sang trồng những loại cây mới.
Ông Bế Văn Mai là một trong những nông dân đi đầu trong phong trào này. Chứng kiến cây cao su bị gãy đổ hoàn toàn trong các trận bão lũ, ông Bế Văn Mai nhận thấy loại cây này không thể đứng vững và sinh trưởng tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, nên ông đã mạnh dạn chuyển 6 ha diện tích trồng cao su sang trồng cây cam.
Qua nghiên cứu từ nhiều loại sách báo, ông nhận thấy cây cam có thể thích nghi được trên vùng đất này nên ông đã đặt mua giống cam ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) về trồng. Hiện tại, 3.500 cây cam của ông đang phát triển rất tốt.
Nhiều cây đã bắt đầu ra quả hứa hẹn một vụ mùa bội thu vào dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Các mô hình trồng nấm và trồng các loại cây dược liệu, như: cà gai leo, ba kích, đinh lăng… ở các xã Phúc Trạch, Sơn Lộc, Xuân Trạch... cũng đang phát huy hiệu quả tích cực của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập tốt cho người nông dân, nhiều loại cây cho mức thu nhập cao gấp 1,5 đến 3 lần so với cây lúa.
Ngoài ra, nông dân còn chủ động ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường, như: trồng rau thủy canh; trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn ViệtGAP nhằm tăng năng suất bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Từ các lớp tập huấn và nhiều hoạt động chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi, người dân đã biết tận dụng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm phụ nông nghiệp để chế biến thức ăn cho gia súc và tiến hành chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc.
Kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về ngành nghề, dần khẳng định là mô hình sản xuất hàng hoá có hiệu quả. Công tác khoanh nuôi phục hồi, chăm sóc, giao khoán bảo vệ rừng được các địa phương tập trung thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Từ thực tiễn cho thấy, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần quan trọng tạo cho bộ mặt nông thôn tỉnh ta ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt những chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, nông dân toàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững và hiện đại với việc xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, cung ứng các sản phẩm nông sản an toàn nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người dân.
Nh.V