Công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào tỉnh Quảng Bình

  • 09:09, 11/09/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Ngày 10-9, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn gửi Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào tỉnh Quảng Bình. Nội dung Công điện như sau:

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1-8-2018, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - viết tắt là AFS) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc.

Tính đến ngày 25-8-2018, tổng cộng đã có 4 ổ dịch Dịch tả lợn Châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con; mặt khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia báo cáo có Dịch tả lợn Châu Phi.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn.

Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.

Để chủ động ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm và lây lan của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh, thực hiện Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30-8-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo tại Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30-8-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam;

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu phi theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương và vùng có nguy cơ cao.

- Tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại các địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; hoặc nghi lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng III để chẩn đoán, xét nghiệm tác nhân gây bệnh.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đi qua và nhập vào địa bàn; phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh và các địa phương liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn sai quy định, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.

- Theo dõi, đôn đốc các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông tích cực triển khai tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn đến người chăn nuôi, ngành chăn nuôi; khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

5. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

- Thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; vận động người chăn nuôi không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào tiêu thụ trên địa bàn; không mua bán lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc trên địa bàn; thực hiện công tác giám sát bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đến tận hộ chăn nuôi nhằm chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi dịch mới phát sinh.

- Triển khai thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi theo Kế hoạch số 1410/KH-UBND ngày 23-8-2018 của UBND tỉnh, nhất là các khu vực chăn nuôi, điểm thu gom, cơ sở giết mổ động vật…

Yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện.


 

tin liên quan

Bố Trạch:  Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa
Bố Trạch: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa

(QBĐT) - Trước nhu cầu của thị trường về nguồn cung bò thịt ngày càng cao, giá trị của đàn bò được nâng lên, nông dân huyện Bố Trạch đang từng bước chú trọng đầu tư mở rộng đàn bò cả về số lượng và chất lượng.

Cục Chăn nuôi: Không chủ quan trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Cục Chăn nuôi: Không chủ quan trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết những ngày qua, thông tin về dịch tả lợn châu Phi xuất hiện gần nhất tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng đây là vấn đề cần thiết phải đề phòng.

Bố Trạch: Khuyến khích phát triển đối tượng nuôi thủy sản mới
Bố Trạch: Khuyến khích phát triển đối tượng nuôi thủy sản mới

(QBĐT) - Sau ảnh hưởng sự cố môi trường biển, huyện Bố Trạch đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên người dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản trở lại; đặc biệt khuyến khích bà con đa dạng hóa đối tượng nuôi, chú trọng các loại con nuôi mới có giá trị kinh tế cao...