(QBĐT) - Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan tới châu Á, bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc và Nhật Bản. Đây là loại vi rút độc lực cao, khiến 100% lợn nhiễm bệnh bị tử vong và chưa có thuốc chữa. Mặc dù ở Việt Nam chưa phát hiện thấy trường hợp nhiễm dịch nào trên đàn lợn, tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được các địa phương và người chăn nuôi triển khai thực hiện. Quảng Bình cũng đã và đang vào cuộc, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh.
Nguy cơ xâm nhiễm cao
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bản chất của vi rút gây bệnh dịch tả châu Phi không tự lây lan, phát tán nhanh so với một số mầm bệnh khác, như: vi rút bệnh lở mồm long móng, tai xanh trên lợn, dịch tả lợn cổ điển…
Bệnh dịch này lây lan chủ yếu do có yếu tố con người tác động, như: việc vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác. Tuy nhiên, dịch bệnh này hiện không có vắc xin và thuốc chữa trị; vi rút gây ra bệnh là chủng độc lực cao, có thể giết chết 100% số lợn bị nhiễm bệnh.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tính từ cuối năm 2017 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan đến 12 quốc gia. Dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên được phát hiện ở châu Á vào năm 2017, trong một khu vực của Siberia ở Liên bang Nga.
Tuy nhiên, tình hình chỉ trở nên nghiêm trọng khi dịch lan tới Trung Quốc vào tháng 8 vừa qua và hiện đang lây lan rất nhanh. Hơn 1 tháng qua, vi rút dịch tả lợn châu Phi đã lan tới 18 trang trại và lò mổ ở 6 tỉnh nước này, buộc phải tiêu huỷ gần 40.000 con lợn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc có chiều hướng lây lan dần về phía Nam (đến các tỉnh gần với biên giới Việt Nam).
Tại Nhật Bản, dịch bệnh xuất hiện từ đầu tháng 9. Nhật Bản đã ngay lập tức thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống dịch, như: tiêu huỷ gần 600 gia súc nghi ngờ mắc bệnh, khử trùng diệt khuẩn nông trại, ngừng xuất khẩu thịt lợn…
![]() |
Hiện, dịch tả lợn châu Phi chưa có ở Việt Nam, tuy nhiên, nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta là rất cao, thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn và các sản phẩm bệnh, nghi mắc bệnh nhập lậu, không rõ nguồn gốc…
Tại hội nghị trực tuyến ngày 14-9-2018, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận định rằng, dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch ở Trung Quốc và nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao nếu chúng ta không kịp thời, chủ động ngăn chặn.
Chủ động phòng dịch
Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại Châu Á, tổ chức FAO đã triển khai cuộc họp khẩn với đại diện của nhiều nước trong khu vực, đánh giá gần như chắc chắn, dịch sẽ xuất hiện ở nhiều nước khác trong thời gian sắp tới.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cảnh báo, chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Việt Nam sẽ siết chặt tình hình vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua biên giới không rõ nguồn gốc.
Trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến triển khai ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, ông Ken Inui, chuyên gia quốc tế tổ chức FAO cho biết, biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất là tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nếu một con bị nhiễm bệnh và thực hiện biện pháp giám sát, tiêu độc, khử trùng cả các vùng xung quanh.
Người chăn nuôi không dùng thức ăn thừa cho đàn lợn, không sử dụng kim tiêm để tiêm cho cả đàn lợn, bởi đây là đường lây lan rất lớn. Người chăn nuôi cần thực hiện biện pháp cách ly, tiêu độc khử trùng, đặc biệt là phải thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học.
Tại tỉnh Quảng Bình, sau khi có công điện khẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, tỉnh đã sớm vào cuộc thực hiện công tác phòng dịch. Tỉnh ban hành các công điện, công văn hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn…
Ông Lưu Văn Hiền, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ thực phẩm sạch Hiền Nguyên (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch), cho biết: “Những ngày qua, tôi có nghe nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông về tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi đang xảy ra ở một số nước Châu Á.
Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm, tôi và các hộ chăn nuôi tại hợp tác xã đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn. Công tác tiêu độc khử trùng cũng được các hộ thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, nguồn thức ăn, con giống luôn được bảo đảm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ các mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhiễm vào…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, trước nguy cơ xâm nhiễm cao của dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã khẩn trương đưa ra các biện pháp cụ thể, kịp thời để phòng, ngừa dịch bệnh. Cụ thể, Chi cục đã chủ động phân công cán bộ về cơ sở; thành lập đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, nhất là vùng có nguy cơ cao, như: Lệ Thủy và Quảng Trạch.
Công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn đang được các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; tổ chức thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 2, năm 2018” tại các hộ, cơ sở chăn nuôi và các vùng nguy cơ cao, đặc biệt tập trung ở các điểm buôn bán động vật, sản phẩm động vật, các chợ kinh doanh… Cán bộ thú y hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại và môi trường chăn nuôi định kỳ, dùng vôi bột hoặc hóa chất khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh…
Bên cạnh đó, Chi cục cũng chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố và thị xã tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại các địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi; hoặc nghi lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu trái phép thì lấy mẫu gửi để chẩn đoán, xét nghiệm tác nhân gây bệnh. Chốt kiểm soát dịch bệnh Bắc, Nam Quảng Bình tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiêu độc khử trùng các xe vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đi qua và nhập vào địa bàn tỉnh.
Dấu hiệu của lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi: Theo FAO |
Lê Mai