(QBĐT) - Những năm qua, xã Quảng Trường (Quảng Trạch) luôn tập trung tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, xã đã chú trọng đến việc phát triển trồng trọt và chăn nuôi nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ở địa phương, qua đó, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân.
Anh Mai Xuân Hán, ở thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường được nhiều người biết đến là tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã với mô hình nuôi tôm thẻ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Những năm đầu tiên bắt tay vào nuôi tôm, do chưa nắm bắt kỹ thuật, vốn ít, rủi ro khá lớn, cộng thêm địa hình đồng trũng, nên hồ tôm của anh bị mất trắng.
Thêm vào đó, dịch bệnh xảy ra liên tục trong khi thuốc điều trị, nguồn thức ăn kém chất lượng, tất cả đã ảnh hưởng đến năng suất tôm. Không chùn bước trước những khó khăn, thử thách, anh vẫn tiếp tục công việc và được cán bộ chăn nuôi của xã và Hội Nông dân tỉnh tập huấn nhiều kiến thức về nuôi tôm.
Trở về từ lớp tập huấn, anh bắt đầu nuôi thâm canh tôm thẻ trên diện tích 4.000 m2. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật nên mỗi vụ anh thu hoạch được hơn 2 tấn tôm, thu lãi gần 200 triệu đồng. Anh Hán chia sẻ: "Năm 2003, tôi đã bỏ toàn bộ vốn liếng, vay ngân hàng chính sách 30 triệu đồng và vay mượn thêm bạn bè, anh em để đầu tư xây dựng cơ sở.
![]() |
Phát triển kinh tế hộ gia đình giúp người dân xã Quảng Trường tăng thu nhập, nâng cao đời sống. |
Nhưng, bước đầu kinh doanh, do chưa có kinh nghiệm nên tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro, vất vả, bị lỗ vốn. Nhiều lúc muốn từ bỏ, nhưng nhờ sự động viên của người thân, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ xã, tỉnh nên dần dần tôi cũng đúc rút được kinh nghiệm và thành công trong chăn nuôi, qua đó thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Cũng là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã nhiều năm, gia đình anh Nguyễn Thanh Long, thôn Hạ Trường, xã Quảng Trường lại chọn mô hình ươm cây giống làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng điều kiện vườn rộng, mỗi năm, gia đình anh gieo hơn 300 vạn hạt giống, 600 đến 700 vạn bầu giống. Hiện tại, gia đình anh Long có gần 10 sào cây giống, ước tính hàng trăm vạn cây các loại, như: bạch đàn, huê, keo tai tượng...
Anh Long cho hay, ngoài việc cung cấp cho thị trường trong tỉnh, vườn ươm của gia đình còn cung cấp cây giống cho các tỉnh bạn nên sản xuất bao nhiêu cũng không đủ. Mỗi năm, vườn ươm cây giống cho gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh có điều kiện cho con học hành đến nơi đến chốn, có điều kiện để mua sắm các vật dụng cho gia đình.
Để các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, xã Quảng Trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất giỏi. Xã đã tích cực phối hợp với các đoàn thể để tổ chức hàng chục buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Xã còn liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất.
Từ năm 2017 đến nay, đã có gần 500 lượt hộ dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng. Thông qua mô hình phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã được giảm dần qua từng năm. Nếu như cuối năm 2016, xã có 120 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,2% thì đến đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 68 hộ, chiếm tỷ lệ 8%; số hộ khá, giàu ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng.
Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết, từ khi thực hiện chủ trương vận động nông dân phát triển kinh tế hộ, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm đáng kể. Đến nay, xã đã hoàn thiện được 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đối với những tiêu chí chưa thực hiện được, như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn..., ngoài việc nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đóng góp của nhân dân, xã rất cần có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.
Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế thông qua các hội, đoàn thể liên kết với các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn vay; tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế ở địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa.
Phạm Hà