(QBĐT) - Thời gian qua, trang trại của gia đình anh Đỗ Văn Tùng, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) đã dùng thức ăn sinh học thay thế cho nguồn thức ăn công nghiệp để chăn nuôi lợn, gà và anh đã chứng minh được hiệu quả kinh tế của phương thức này.
Trang trại nuôi lợn bằng thức ăn lên men vi sinh của gia đình anh Đỗ Văn Tùng. |
Trang trại của anh Đỗ Văn Tùng, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh hiện có gần 1.000 con lợn và trên 4.000 con gà. Thế nhưng gần 2 năm nay, anh không dùng thức ăn công nghiệp để chăn nuôi mà thay vào đó chỉ sử dụng men vi sinh hoạt tính để ủ chín các nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: ngô, sắn, lúa nghiền, bã đậu, bã sắn… để làm thức ăn cho súc, gia cầm (gọi chung là thức ăn sinh học).
Theo tính toán của anh Tùng thì nuôi gia súc, gia cầm bằng thức ăn sinh học giá thành thấp hơn so với thức ăn công nghiệp khoảng 30% nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cách nuôi thông thường. Không những vậy, thức ăn lên men vi sinh giúp cho gia súc, gia cầm tăng cường khả năng chống dịch bệnh cao, chống giun sán, chất lượng thịt thơm ngon hơn so với cho ăn thức ăn công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi tiêu thụ trên thị trường.
Mặt khác, thức ăn lên men được lợn hấp thu triệt để nên lượng phân thải ra ít và hạn chế mùi hôi hơn so với khi cho ăn thức ăn công nghiệp. Nếu cho gia súc, gia cầm ăn thức ăn sinh học kết hợp với chuồng trại bằng nệm lót sinh học thì đây là mô hình lý tưởng, vừa lấy được nhiều phân chuồng để trồng cây vừa giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại hiện nay.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định như về ngoại hình của đàn lợn thường không bóng bẩy như lợn bình thường, thời gian nuôi có thể dài hơn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Nhưng với kinh nghiệm hơn 10 năm làm trang trại thì anh Đỗ Văn Tùng vẫn xem đây là phương thức chăn nuôi cần nhân rộng vì những hạn chế đó không đáng kể. Hiện trang trại lợn, gà đã thu về cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thanh Hoa