(QBĐT) - Tại hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2017, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh trên lĩnh vực này.
Theo đó, mặc dù tỉnh ta phải gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lũ nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 31 vạn tấn. Trong đó, sản lượng lúa đạt gần 285 ngàn tấn, bằng 109,7% kế hoạch; sản lượng ngô 25.331 tấn, bằng 104,5% kế hoạch. Riêng đối với diện tích cao su do bão số 10 làm gãy, đổ hơn 4 ngàn héc ta nhưng sản lượng mủ khô vẫn đạt 5.500 tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ...
Nhờ áp dụng các loại giống mới chất lượng, năm 2017 năng suất lúa tỉnh ta đạt cao nhất từ trước đến nay. |
Mặt khác, nhờ có sự chỉ đạo kịp thời trong việc kê khai và chi trả tiền bồi thường hậu quả sự cố môi trường biển nên đã tạo tâm lý yên tâm cho ngư dân tích cực bám biển. Sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 60 ngàn tấn, bằng 112,2% kế hoạch và tăng 18,5% so với cùng kỳ. UBND tỉnh cũng đã tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 160 doanh nghiệp thu mua, đầu tư hoặc đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh vào nông nghiệp, nông thôn, nhờ vậy, góp phần tạo sự ổn định trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bình ổn giá các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh.
Năm 2017 cũng là năm mà lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh ta phải đối mặt với những khó khăn do giá lợn hơi tụt giảm, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân khi duy trì, mở rộng chăn nuôi, nhất là ở các trang trại.
Chị Dương Thị Kính, chủ của một trang trại nuôi lợn quy mô hàng trăm con ở xã Dương Thủy chia sẻ: “Thời điểm giá thịt lợn hơi giảm là một thách thức lớn đối với tôi. Hơn 300 con lợn thịt với tổng trọng lượng hàng chục tấn không thể bán được, hoặc nếu bán thì giá rẻ mạt. Thế nhưng gia đình vẫn duy trì, chờ thời điểm giá thịt lợn hơi tăng lên, ổn định rồi mới xuất chuồng.
Điều đó đồng nghĩa mỗi ngày tôi phải bỏ ra vài triệu đồng tiền thức ăn. Cũng may là khoảng thời gian giá thịt lợn hơi giảm kéo dài không lâu nên hoạt động chăn nuôi của gia đình tôi vẫn được duy trì và phát triển”...
Từ một hộ thuộc diện nghèo của xã Dương Thủy, gia đình chị Kính đã phấn đấu vượt qua khó khăn, xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp với quy mô hơn 400 con lợn, 2.000 con gà, 10 vạn cá giống/lứa, mỗi năm cho thu nhập trên 250 triệu đồng.
Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khẳng định, chính nhờ có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ kịp thời, nên tổng đàn gia súc, gia cầm tỉnh ta vẫn cơ bản duy trì, phát triển ổn định.
Trong đó, tổng đàn trâu là 37.300 con, tăng 0,2% so với cùng kỳ; đàn bò hơn 104 ngàn con, tăng 0,6%; đàn lợn hơn 351 ngàn con, bằng 99,7% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỷ lệ lợn có máu ngoại chiếm hơn 90%, tăng 6% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Trung ương và của tỉnh nên toàn tỉnh đã có 90 tàu cá được nâng cấp, đóng mới; trong đó có 30 tàu vỏ thép, 56 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite và 3 tàu đang tiếp tục được nâng cấp. Đây là điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp tục đẩy mạnh đánh bắt thủy sản ở vùng biển xa nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.
Cần phải nói thêm rằng, ảnh hưởng của 2 đợt lũ kép năm 2016 đã khiến nhiều công trình thủy lợi trong toàn tỉnh bị hư hỏng. Bởi vậy, ngay từ đầu vụ đông - xuân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động khắc phục, sửa chữa nhằm kịp thời phục vụ sản xuất; mặt khác chú trọng việc triển khai kế hoạch dùng nước cho từng hồ, đập, nên cơ bản đã đáp ứng tốt yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Diện tích tưới, tiêu được bảo đảm cho 61 ngàn ha, đạt 102,5% kế hoạch; tỷ lệ tưới, tiêu chủ động là gần 97%, riêng đối với vụ đông - xuân là 99,8% và đặc biệt không xảy ra khô hạn, ngập úng.
Cũng theo ông Phan Văn Khoa, việc hỗ trợ sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã được triển khai thực hiện hiệu quả, nhờ vậy, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng, giá trị, hiệu quả và bền vững. Trong đó, tỉnh đã triển khai thực hiện 13 mô hình sản xuất, 4 chương trình phát triển có tính bền vững; tiêu biểu, như: mô hình nuôi vịt biển, nuôi cá chạch bùn trong ao lót bạt, tưới nước tiết kiệm theo công nghệ Israel trên cây tiêu...
Mặt khác, ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại 154 cơ sở sản xuất nông nghiệp; kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm tại 104 cơ sở. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.
Một trong những kết quả nổi bật đạt được của tỉnh ta trong năm 2017 là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.924 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 62 tiêu chí so với năm 2016 và đạt 14,2 tiêu chí/xã. Đối với 9 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, hiện tại, các ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và làm hồ sơ để thẩm định, xem xét công nhận đạt nông thôn mới.
![]() |
Phát triển kinh tế vườn đồi kết hợp chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. |
Dự kiến đến hết năm 2017, toàn tỉnh sẽ có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 39,6% tổng số xã.
Năm 2017 đã khép lại. Chúng ta có thể vui với những kết quả đạt được khả quan trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Đó là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa mạnh; các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm còn ít; chất lượng hàng hóa nông sản thấp; các mô hình sản xuất hiệu quả ít được nhân rộng và thiếu sự liên kết vùng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Việc thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng vẫn chưa đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng. Thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, diện tích rừng trồng gỗ lớn còn ít, chủ yếu vẫn chỉ là sản phẩm gỗ nhỏ.
Đặc biệt, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với hơn 8,2 ngàn ha rừng trên vùng cát ven biển Nam Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn do không có kính phí bảo vệ. Nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương khá lớn, nhất là ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhìn lại năm 2017, mặc dù tỉnh ta phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ và hậu quả sự cố môi trường biển nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của các cấp chính quyền, địa phương, “bức tranh” sản xuất nông nghiệp vẫn hiển hiện nhiều gam màu sáng. Đây chính là tiền đề quan trọng để người nông dân Quảng Bình tiếp tục bám biển, bám đất sản xuất nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tùy Phong