(QBĐT) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, tài sản trí tuệ (TSTT) trở thành yếu. tố cốt lõi thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và địa phương. Nắm bắt xu thế này, tỉnh Quảng Bình đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, trong đó sở hữu trí tuệ (SHTT) giữ vai trò trung tâm. Năm 2024 ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng về số lượng và chất lượng TSTT được xác lập, thể hiện bước tiến rõ rệt về nhận thức, chính sách và hành động của toàn hệ thống.
Bức tranh sở hữu trí tuệ
Theo dữ liệu từ Công báo Sở hữu công nghiệp năm 2024 (cập nhật đến ngày 7/3/2025), tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ: 85 đơn đăng ký nhãn hiệu (tăng gần 20% so với năm 2023); 59 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được cấp; 2 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích và 2 văn bằng tương ứng; 5 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Mặc dù chưa phải là con số vượt trội so với các tỉnh, thành phố lớn, nhưng với đặc điểm là một địa phương có quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ yếu, những kết quả trên thể hiện sự dịch chuyển mạnh mẽ trong tư duy phát triển của Quảng Bình-chuyển từ “sản xuất truyền thống” sang “phát triển dựa trên tài sản vô hình, trí tuệ và sáng tạo”.
Trong hệ thống TSTT, nhãn hiệu là loại hình được đăng ký phổ biến nhất tại Quảng Bình, thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đến việc xây dựng thương hiệu. Tiêu biểu: Porick-sản phẩm keo dán gạch ứng dụng công nghệ Thái Lan, vật liệu Đức, kết hợp nguồn tài nguyên Quảng Bình, đang từng bước mở rộng thị trường miền Trung; nước mắm truyền thống Cảnh Dương Tuệ Hương, một đại diện cho nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống; hệ sinh thái nhãn hiệu du lịch và nghỉ dưỡng Honey Group, hay chuỗi sản phẩm dược phẩm của Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình…
Không chỉ dừng lại ở việc xác lập quyền, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư bao bì, marketing và mở rộng thị trường. Đây là minh chứng cho thấy nhãn hiệu không chỉ là “biển hiệu”, mà là tài sản kinh tế thực sự nếu được khai thác hiệu quả.
![]() |
Dù số lượng đơn sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp còn khiêm tốn, song sự xuất hiện ổn định hàng năm cho thấy nền tảng khoa học-công nghệ (KH-CN) tại Quảng Bình đã bắt đầu “chạm ngõ” giai đoạn tạo ra tri thức mới-thay vì chỉ dừng lại ở ứng dụng. Các sáng chế và giải pháp hữu ích được đăng ký thời gian gần đây tập trung vào ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; chế biến thực phẩm, dược liệu từ cây cỏ bản địa; cải tiến thiết bị sản xuất nhỏ, phù hợp với điều kiện vùng sâu vùng xa.
Trong khi đó, kiểu dáng công nghiệp ngày càng được chú trọng trong lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng… Đây là xu hướng tất yếu khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ, trải nghiệm, và tính khác biệt trong thiết kế sản phẩm.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Quảng Bình đã tổ chức thành công 3 mùa cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” với hàng trăm dự án tiềm năng. SHTT luôn là một trong những trụ cột được lồng ghép xuyên suốt từ quá trình ươm tạo ý tưởng, đến thương mại hóa sản phẩm. Nhiều mô hình khởi nghiệp đã xác lập nhãn hiệu ngay từ giai đoạn đầu, như: Trà thảo dược, tinh dầu cỏ hôi, cao dược liệu, keo dán gạch Porick, các sản phẩm từ cá niên, gạo nếp than… Việc xác lập quyền SHTT không chỉ giúp bảo vệ sản phẩm, mà còn nâng cao năng lực gọi vốn, tiếp cận thị trường và hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Song song đó, Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) cũng đang dần chuyển dịch từ “chạy theo sao” sang “xây dựng thương hiệu có chiều sâu”, với sự đồng hành của Sở KH-CN trong việc tư vấn đăng ký nhãn hiệu, hướng dẫn quy trình xác lập và sử dụng TSTT một cách hiệu quả.
![]() |
Sở KH-CN tỉnh với vai trò là cơ quan chuyên môn đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình hỗ trợ, như: Miễn phí tư vấn và hỗ trợ chi phí đăng ký SHTT; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp; xây dựng các mô hình điểm trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, công nghiệp nông thôn; kết nối các chuyên gia SHTT từ Trung ương về hỗ trợ tại chỗ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang từng bước triển khai chiến lược SHTT đến năm 2030, phù hợp với Quyết định số 1068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh: Nâng cao năng lực quản trị TSTT trong doanh nghiệp; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chủ lực; tăng cường truyền thông, giáo dục về SHTT trong cộng đồng và trường học.
Trong giai đoạn tới, Quảng Bình xác định rõ: SHTT không chỉ là công cụ pháp lý, mà là nguồn lực phát triển, là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tri thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các mục tiêu bao gồm: Tăng gấp đôi số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ TSTT mỗi năm; phát triển tối thiểu 5 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý/nhãn hiệu tập thể gắn với lợi thế vùng miền; hỗ trợ doanh nghiệp địa phương xây dựng chiến lược khai thác, thương mại hóa TSTT hiệu quả; hình thành mạng lưới tư vấn và dịch vụ SHTT chuyên nghiệp, liên kết với hệ sinh thái khởi nghiệp.
Những kết quả đạt được trong năm 2024 là tín hiệu tích cực cho thấy Quảng Bình đang đi đúng hướng trong chiến lược phát triển TSTT. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của doanh nghiệp và sự đồng hành của ngành KH-CN đã tạo nên “cú hích” cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương.
Với quyết tâm mạnh mẽ và cách làm bài bản, Quảng Bình hoàn toàn có cơ sở để trở thành điểm sáng về SHTT và đổi mới sáng tạo khu vực Bắc Trung bộ trong những năm tới.
Trần Quốc Việt
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ