(QBĐT) - Trong giai đoạn 2022-2024, Sở khoa học-Công nghệ (KH-CN) đã tích cực phối hợp quản lý thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN cấp tỉnh; qua đó, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn có nhiều đổi mới, phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Qua đánh giá khách quan, công tác quản lý thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN cấp tỉnh thời gian qua đã bám sát vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đạt kết quả nổi bật được ghi nhận trong việc đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tiễn ngày càng sâu sát, chặt chẽ và có nhiều đổi mới.
Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học, ứng dụng vào sản xuất, đời sống xã hội, góp phần tạo sự chuyển biến tiến bộ về năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch và dịch vụ, đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Theo thống kê, giai đoạn 2022-2024, Sở KH-CN đã tổ chức triển khai 92 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh. Trong đó, một số đề tài khoa học đạt hiệu quả cao, có giá trị ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, điều tra cơ bản, nông-lâm-ngư nghiệp, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nổi bật có các đề tài, như: Đánh giá nguyên nhân gây ngập lụt và đề xuất các giải pháp xử lý cho TP. Đồng Hới; điều tra phân bố và đánh giá tình trạng bảo tồn của một số loài thực vật nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, đề xuất giải pháp quản lý bảo tồn và phát triển tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB); nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ cảnh quan và môi trường bền vững khu vực lưu vực sông Son; nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tại huyện Bố Trạch; ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo theo hướng hữu cơ; nghiên cứu, khôi phục và phát triển nguồn gen cá chình mun; nghiên cứu hiệu quả kỹ thuật nút mạch hóa chất (TACE) trong điều trị ung thư tế bào gan nguyên phát tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới; nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp ở tỉnh trong tình hình mới; nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư tưởng của tổ chức đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh trong giai đoạn hiện nay...
![]() |
Công tác nghiên cứu trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên đã cung cấp hệ thống lý luận mới về vai trò của văn hóa, lịch sử, con người và các nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, của địa phương, vùng, miền; đồng thời cung cấp các luận cứ khoa học trong việc đề xuất các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
“Đề tài “Nghiên cứu tác động thiên tai và con người ảnh hưởng lên tài nguyên di sản VQG PN-KB làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển: Trường hợp tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch” đã tìm ra các nguyên nhân, áp lực, thực trạng, mức độ tác động và đề xuất các nhóm giải pháp ứng dụng để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các giải pháp này cần có nguồn lực và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và sự chung tay của cộng đồng dân cư…, hướng tới bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên phát triển bền vững”, Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB Phạm Hồng Thái cho hay.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, các đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn, tạo được các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất và chất lượng vượt trội so với trước đây; nhiều tiến bộ kỹ thuật và quy trình công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản sau thu hoạch và chế biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
![]() |
Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long chia sẻ: Nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tại huyện Bố Trạch đã đánh giá tổng quan về điều kiện tự nhiên, đặc điểm tài nguyên đất, độ phì nhiêu của đất sản xuất nông nghiệp; hiện trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và hệ thống thủy lợi; thực trạng thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp do xói mòn, khô hạn, suy giảm độ phì và nhiễm mặn; xây dựng bản đồ thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp do xói mòn, khô hạn, suy giảm độ phì và nhiễm mặn...
Nhờ ứng dụng các giải pháp vào thực tiễn, nền nông nghiệp huyện có bước tiến vượt bậc, năng suất, sản lượng và chất lượng các loại cây lương thực, thực phẩm và hoa màu tăng cao trên cùng đơn vị diện tích; nhiều giống cây trồng mới được lựa chọn đưa vào sản xuất phù hợp thổ nhưỡng; góp phần tăng thu nhập, nâng mức sống của người dân trên địa bàn.
“Thời gian tới, Sở KH-CN tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động nghiên cứu KH-CN; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về KH-CN, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để từng bước tạo lập và phát triển thị trường KH-CN; đồng thời, gắn hoạt động KH-CN với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống nhằm phục vụ thiết thực việc hoạch định các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và quốc phòng-an ninh của tỉnh”, Phó Giám đốc Sở KH-CN Phạm Thanh Nam trao đổi. |
Hương Trà