Thanh toán không dùng tiền mặt: Nỗ lực từ các trường học

  • 06:09, 23/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thay vì đóng học phí và các khoản thu khác trực tiếp tại trường thông qua giáo viên (GV) chủ nhiệm, những năm gần đây, các trường học trong tỉnh áp dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Việc áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục (CSGD) đem lại nhiều lợi ích cho phụ huynh, nhà trường, tạo sự minh bạch trong thu, chi tài chính và góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT).
 
Nhiều tiện ích
 
Vài năm trước, vào đầu năm học, giữa kỳ học, cả phụ huynh và GV đều vất vả với việc thu, nộp học phí và các khoản phí khác bằng hình thức thủ công. Mỗi lần nộp, phụ huynh phải dò tìm đúng tên con, số tiền cần nộp và ký tên sau khi hoàn thành việc nộp phí. GV phải kiểm lại số tiền, trả lại tiền thừa cho phụ huynh, rà soát, đối chiếu thật kỹ để tránh sai sót… Việc phải cầm số tiền lớn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người thu.
 
Thấy rõ nhược điểm của cách thức thu phí trên đối với phụ huynh và nhà trường là mất nhiều thời gian, dễ sai sót…, các trường học chuyển sang cách thức thu phí mới là phối hợp với ngân hàng để có phần mềm tiện ích nhằm thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt. TP. Đồng Hới là nơi triển khai, thực hiện khá tốt hoạt động này, mang lại nhiều tiện ích cho cả phụ huynh và nhà trường.
 
Trưởng phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới Hồ Thanh Hải cho biết: Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục, ngành GD-ĐT thành phố tập trung triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng áp dụng việc thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đồng Hới đã chia ra những giai đoạn cụ thể và phối hợp với các ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh trong triển khai các hoạt động.
Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, phụ huynh học sinh thực hiện nhanh chóng việc nộp học phí và các khoản thu cho con em mọi lúc, mọi nơi.
Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, phụ huynh học sinh thực hiện nhanh chóng việc nộp học phí và các khoản thu cho con em mọi lúc, mọi nơi.
Năm học 2022-2023 toàn TP. Đồng Hới có 30 CSGD triển khai. Từ năm học 2023-2024, thành phố có 51/60 CSGD thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt, trong đó 28 trường sử dụng phần mềm Misa (Công ty CP Misa), 21 trường sử dụng phần mềm Yoyoschool (Công ty CP Yoyoschool), 1 trường sử dụng phần mềm của Viettel, 1 trường sử dụng ứng dụng KidsOnline. Trong quá trình thực hiện, các tổ chức tín dụng, công ty cung cấp phần mềm đã phân công cán bộ chăm sóc, hỗ trợ CSGD xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình sử dụng. Qua thực tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đã đem lại nhiều tiện ích, giúp CSGD quản lý tốt hơn về tài chính…
 
Là đơn vị có rất đông học sinh theo học, Trường THPT Lương Thế Vinh (TX. Ba Đồn) đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt, bắt đầu từ thu học phí. Nhà trường đã phối hợp với các ngân hàng tổ chức tập huấn cho GV chủ nhiệm, kế toán và tích cực vận động phụ huynh tham gia hưởng ứng. “Ban đầu, trường cũng gặp khó khăn do không ít phụ huynh chưa thay đổi được thói quen dùng tiền mặt và một số chưa tiếp cận được với công nghệ... Song nhà trường quyết tâm trong việc tuyên truyền nên đã thay đổi nhận thức của nhiều người, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh…”, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Trần Thanh Hải chia sẻ.
 
Anh Nguyễn Trung Dũng (TX. Ba Đồn) bày tỏ: “Tôi có 2 con đang học ở hai cấp học khác nhau. Nếu như trước đây khi nhận được thông báo về các khoản thu từ GV chủ nhiệm, gia đình tôi phải chuẩn bị tiền mặt và đến tận trường để nộp học phí cho con thì bây giờ chỉ cần thực hiện vài thao tác trên điện thoại là thanh toán hầu hết tất cả các khoản thu theo yêu cầu của nhà trường. Tiện lợi của hình thức này là phụ huynh có thể đóng tiền cho con bất kỳ lúc nào, ở đâu, hạn chế thời gian đi lại, chờ đợi…”.
 
Còn đó những khó khăn
 
Thực hiện các khoản thu, chi không dùng tiền mặt không chỉ giúp cho GV chủ nhiệm, kế toán tại các CSGD bớt gánh nặng để tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn mà còn góp phần công khai, minh bạch các khoản thu, giảm rủi ro phát sinh trong giao dịch tiền mặt, như: Thừa, thiếu, nhầm lẫn, tiền giả, tiền rách hỏng... Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện thu học phí cùng các khoản thu khác bằng phương thức không sử dụng tiền mặt tại các trường học còn thấp, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
 
“Xác định thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là bước tiến trong công tác quản lý tài chính, tạo cơ hội để hiện đại hóa quy trình và nâng cao chất lượng dịch vụ trong các CSGD, thời gian tới, toàn ngành đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc; tiếp tục phối hợp với các ngân hàng để có chính sách phí ưu đãi hợp lý và tăng cường tập huấn cho GV, nhân viên văn phòng, phụ huynh về cách sử dụng phương thức thanh toán mới, bảo đảm tất cả các bên liên quan đều nắm vững quy trình, kỹ năng cần thiết và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch”, Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Toàn ngành GD-ĐT mới chỉ có 294/575 CSGD thực hiện thu học phí cùng các khoản thu khác bằng phương thức không sử dụng tiền mặt. Nhiều phụ huynh học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi…, đời sống khó khăn nên chưa có điều kiện để mua sắm điện thoại thông minh. Không ít phụ huynh dù có điện thoại thông minh nhưng không am hiểu công nghệ, ngại thay đổi nên vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch. Vì vậy, các trường học phải tiến hành song song hai hình thức là thu phí không dùng tiền mặt và thu tiền mặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh.
 
Được biết, từ năm 2022 đến nay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình đã tiếp cận với 156 CSGD, ký kết với 70 trường để triển khai dịch vụ. Song hiện tại chỉ có 56 CSGD thực hiện, 14 CSGD dù đã kết nối nhưng chưa triển khai mà vẫn giữ phương thức thanh toán cũ.
 
Theo ông Hồ Thanh Hải, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt của các CSGD chưa cao là do đơn vị cung cấp phần mềm về thanh toán thay đổi chính sách (từ chỗ miễn phí sang thu phí) làm cho các trường khó khăn trong triển khai. Từ năm học 2023-2024, Công ty CP Misa yêu cầu thu phí 5.500 đồng/giao dịch (trước đó miễn phí) nên ở giai đoạn 2, nhiều CSGD trên địa bàn TP. Đồng Hới sử dụng phần mềm Yoyoschool vì không mất phí. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị này cũng đề nghị thu phí 1.100 đồng/giao dịch…
 
Nói về các giải pháp để thúc đẩy nhanh, hiệu quả việc sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các CSGD, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuyên Hóa Mai Xuân Minh cho rằng: Ngành GD-ĐT và các ngân hàng, đơn vị liên quan cần tổ chức các hội nghị, hội thảo, nhất là ở tuyến cơ sở về triển khai các phần mềm tiện ích và phải lựa chọn sử dụng phần mềm ưu đãi nhất để tiết kiệm chi phí cho phụ huynh học sinh và CSGD. Các nhà cung cấp dịch vụ cần nâng cấp, cải tiến phần mềm, rút ngắn quy trình nộp phí để người dân dễ sử dụng…
 
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, năm học 2024-2025, ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện các khoản thu, chi trong CSGD. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, toàn ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt... Qua đó, tạo sự minh bạch, công khai, tiến tới số hóa trường học, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành GD-ĐT.
Nh.V

tin liên quan

Thủ tướng quyết định lấy ngày 6/8 là Ngày An ninh mạng Việt Nam
Thủ tướng quyết định lấy ngày 6/8 là Ngày An ninh mạng Việt Nam

Ngày An ninh mạng Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về an ninh mạng quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích của an ninh mạng.

Chàng sinh viên Bru-Vân Kiều và khát vọng khởi nghiệp
Chàng sinh viên Bru-Vân Kiều và khát vọng khởi nghiệp

(QBĐT) - Dự án khởi nghiệp "Sản xuất tinh dầu cỏ hôi" của nhóm tác giả là sinh viên người dân tộc Bru-Vân Kiều đã mở ra cơ hội phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Kim Thủy (Lệ Thủy)…

Đảm bảo thực hiện lộ trình tắt sóng 2G chuyển đổi sang 4G
Đảm bảo thực hiện lộ trình tắt sóng 2G chuyển đổi sang 4G

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lộ trình dừng công nghệ thu phát sóng 2G sẽ được thực hiện theo 2 thời điểm.