Nuôi ốc bươu đen-vốn ít, hiệu quả cao

  • 07:10, 06/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với nguồn vốn đầu tư ít, tận dụng được điều kiện tự nhiên sẵn có ở địa phương, hiệu quả kinh tế thu được cao, nuôi ốc bươu đen thương phẩm hiện là một trong những mô hình có triển vọng, có thể lựa chọn để nhân rộng, là cơ sở để đa dạng hóa đối tượng nuôi, phát triển kinh tế trên địa bàn TX. Ba Đồn.
 
Thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng ốc bươu đen trên thị trường cao do thịt ốc thơm ngon, giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn và được nhiều người ưa chuộng. Vì ốc bươu đen có giá trị kinh tế cao, khả năng dễ bị khai thác, đánh bắt nên nguồn lợi tự nhiên đang giảm sút một cách đáng kể.
 
Trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là ở TX. Ba Đồn, thời gian qua đã có một số hộ dân đầu tư nuôi loài ốc này, nhưng hiệu quả thấp, do chưa có kinh nghiệm và áp dụng kỹ thuật nuôi nên sản lượng cung cấp cho thị trường còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao.
 
Để bổ sung đối tượng nuôi mới, tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, Phòng Kinh tế TX. Ba Đồn đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học “Nuôi thử nghiệm thương phẩm ốc bươu đen tại xã Quảng Tiên”. Từ đó, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, thích nghi, hiệu quả kinh tế và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm ốc bươu đen trong ao đất phù hợp với điều kiện tại địa phương để chuyển giao nhân rộng trên toàn địa bàn nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Sau hơn 10 tháng thực hiện quy trình nuôi ốc bươu đen trong ao đất với diện tích 2.000m2, tại hộ ông Nguyễn Thái Hùng ở thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên, đến nay đã thu được kết quả khả quan.
Sau 5 tháng nuôi, ốc bươu đen đã cho thu hoạch.
Sau 5 tháng nuôi, ốc bươu đen đã cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Thái Hùng cho biết, ông thả nuôi 260.000 con giống được lấy từ trại sản xuất, kinh doanh giống đạt chất lượng ở tỉnh Nghệ An; kích cỡ từ 30.000-40.000 con/kg, ốc giống khỏe, đều, di chuyển tốt, màu sắc tươi sáng, sắc nét và không có rong rêu bám; mật độ thả 130 con/m2; thức ăn cho ốc chủ yếu là thực phẩm xanh chiếm 70% (các loại rau, củ quả...) và thức ăn khô là 30% (gồm bột cám gạo, đậu nành, bột cá...).
 
Sau 5 tháng thả nuôi bảo đảm quy trình kỹ thuật, tỷ lệ sống của ốc bươu đen đạt trên 65%, kích cỡ thương phẩm trung bình 33g/con, sản lượng thu được trên 5.570kg.
 
“Mặc dù tỷ lệ sống và sản lượng không đạt so với yêu cầu của nhiệm vụ khoa học đề ra, nhưng mô hình nuôi thương phẩm ốc bươu đen vẫn đạt hiệu quả kinh tế do giá thành thực tế cao hơn so với đánh giá ban đầu, từ 90.000-100.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, gia đình lãi trên 53 triệu đồng, trung bình lãi 10 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Thái Hùng chia sẻ thêm.
 
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Dung, cán bộ Phòng Kinh tế TX. Ba Đồn, chủ nhiệm nhiệm vụ cho hay: Kỹ thuật nuôi ốc bươu đen khá đơn giản, cách chăm sóc cũng không quá cầu kỳ, phức tạp, nguồn vốn đầu tư ít, lại khai thác được tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương, phù hợp với nguyện vọng của người dân, nên cần được nhân rộng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Về đầu ra sản phẩm, nếu hộ nuôi không bán được ốc thương phẩm thì phía trại cung ứng giống sẽ thu mua lại nên người dân yên tâm sản xuất.
 
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế TX. Ba Đồn, nuôi ốc bươu đen đang là một hướng phát triển kinh tế mới, nhiều hộ nông dân tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình này. Kết quả của nhiệm vụ khoa học là cơ sở quan trọng cho việc phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen; đồng thời, đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nông dân về quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc bươu đen trong ao đất. Quy trình công nghệ đã qua thực tế từ mô hình sắp tới sẽ được chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị có liên quan, như: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân, các HTX dịch vụ nông nghiệp, các doanh nghiệp... để hợp tác với nông dân tổ chức sản xuất trên quy mô toàn thị xã.
 
Từ đó, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trên địa bàn thị xã và là cơ sở để hình thành, phát triển vùng nuôi ốc bươu đen năng suất, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập cho người dân, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài thị xã. Ngoài giá trị kinh tế thu được, việc nuôi thương phẩm ốc bươu đen góp phần làm giảm nguy cơ suy kiệt loài ốc này trong điều kiện tự nhiên.
Hương Trà

tin liên quan

Xây dựng quy trình sản xuất lúa sử dụng phân nano ĐH'93
Xây dựng quy trình sản xuất lúa sử dụng phân nano ĐH'93

(QBĐT) - Sở Khoa học và Công nghệ đã giao Công ty TNHH Giải pháp Chất lượng VQB chủ trì thực hiện mô hình "Thử nghiệm phân bón nano ĐH'93 vào sản xuất giống lúa Hương Bình trên địa bàn xã Minh Hóa (Minh Hóa)". 

Phát động Tháng tiêu dùng Số hưởng ứng Ngày Chuyển đổi Số Quốc gia
Phát động Tháng tiêu dùng Số hưởng ứng Ngày Chuyển đổi Số Quốc gia

"Tháng 10. Tháng tiêu dùng Số" là hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2022 nằm trong chuỗi hoạt động của Tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi Số Quốc gia 10/10 hằng năm.

Khảo sát, đánh giá chi tiết về phóng xạ môi trường
Khảo sát, đánh giá chi tiết về phóng xạ môi trường

(QBĐT) - Ông Phan Thanh Nghiệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ cho biết, nhiệm vụ: "Khảo sát, đánh giá chi tiết phóng xạ môi trường tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình" vừa được nghiệm thu.