Phương pháp mới hỗ trợ điều trị ung thư não bằng liệu pháp miễn dịch

  • 08:08, 07/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Các nhà khoa học cho biết phương pháp hydrogel mới giúp tạo miễn dịch đặc hiệu với tế bào gốc ung thư, từ đó mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhân bị ung thư tái phát.
Ảnh minh họa. (Nguồn: medicalnewstoday.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: medicalnewstoday.com)
Các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ đã nghiên cứu một phương pháp dung nạp thuốc mới có thể giúp cải thiện khả năng điều trị ung thư não bằng liệu pháp miễn dịch.
 
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science Translational Medicine, nhóm nghiên cứu tại Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) và Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) đã tạo ra một loại hydrogel có thể tiêm.
 
Loại hydrogel này chứa các phân tử nano nhắm mục tiêu vào các tế bào gốc u thần kinh đệm vốn được cho là "thủ phạm" chính gây tái phát u nguyên bào thần kinh đệm - một khối u xâm lấn nhiều trong não - sau khi đã phẫu thuật loại bỏ khối u ban đầu.
 
Các hạt nano trong chế phẩm sinh học hydrogel nói trên có thể tạo ra các đại thực bào thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR) tại chỗ sau khi tiêm loại hydrogel này vào điểm mà khối u ban đầu bị cắt bỏ. Đại thực bào là một tế bào lớn có khả năng loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể và được tìm thấy trong máu cũng như trong mô.
 
Nghiên cứu chỉ ra rằng các đại thực bào đã được biến đổi như vậy có thể "truy tìm và tiêu diệt" các tế bào gốc u thần kinh đệm còn sót lại tại vị trí khối u bị loại bỏ bằng cách kích thích phản ứng miễn dịch chống hình thành các khối u mới.
 
Qua thử nghiệm tiền lâm sàng trên chuột thí nghiệm, phương pháp dung nạp thuốc này đã cho thấy hiệu quả giúp ngăn ngừa tái phát u thần kinh đệm sau phẫu thuật bằng cách tạo ra khả năng miễn dịch ngăn ngừa hình thành khối u trong thời gian dài ở chuột.
 
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi kết hợp với một kháng thể có tên là CD47, phương pháp hydrogel mới này đã làm tăng tần suất hoạt động của các tế bào đáp ứng miễn dịch tích cực ở các loài gặm nhấm.
 
Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Jiang Xinyi tại Đại học Sơn Đông, nhấn mạnh phương pháp mới nói trên mang tới một chiến lược điều trị tiềm năng, giúp tạo miễn dịch đặc hiệu với tế bào gốc ung thư, từ đó mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhân bị ung thư tái phát.
Theo Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Cứ 8 người mắc COVID-19 lại có 1 người bị triệu chứng kéo dài
Cứ 8 người mắc COVID-19 lại có 1 người bị triệu chứng kéo dài

Theo nghiên cứu, những triệu chứng thường gặp ở người mắc COVID-19 kéo dài gồm đau ngực, thở khó, đau cơ, mất khứu và vị giác, choáng váng.

Giới khoa học kêu gọi chuẩn bị cho các kịch bản khí hậu cực đoan nhất
Giới khoa học kêu gọi chuẩn bị cho các kịch bản khí hậu cực đoan nhất

Các nhà nghiên cứu đã tính toán và dự báo những khu vực có nhiệt độ cực cao - với nhiệt độ trung bình hằng năm trên 29 độ C - có thể ảnh hưởng đời sống 2 tỷ người vào năm 2070.

Nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số
Nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số

(QBĐT) - Ngày 5/8, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức lớp tập huấn "Nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng về chuyển đổi số" cho hơn 100 học viên.