(QBĐT) - Tận dụng thế mạnh về diện tích đất rừng, đất gò đồi khá rộng lớn, những năm qua, huyện Minh Hóa đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN) trong phát triển các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Qua đó, đã có tác động tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Những năm gần đây, nhiều chương trình đề tài, dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN đã được huyện Minh Hóa triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Minh Hóa đã chú trọng đến việc đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng, đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
![]() |
Được sự hỗ trợ của Sở KHCN, huyện đã thực hiện thành công mô hình sản xuất và tiêu thụ một số cây dược liệu tại xã Yên Hóa do Công ty TNHH Thảo Mộc Nhân Sơn Dược chủ trì. Mô hình được thực hiện trên diện tích 1ha; trong đó 0,5ha trồng hà thủ ô đỏ với 20.000 cây, 0,5ha trồng kim ngân hoa với 10.000 cây. Qua đó, 2 loại cây dược liệu là kim ngân hoa và hà thủ ô đỏ được đánh giá về khả năng thích nghi, tiến tới hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật đã tập huấn hướng dẫn cho người dân các khâu từ kỹ thuật làm đất, bón phân, phủ bạt, trồng, chăm sóc cây kim ngân hoa và cây hà thủ ô đỏ theo đúng quy trình nên chỉ sau 2 tháng trồng, mặc dù cuối năm 2020 và đầu năm 2021 có những đợt rét đậm, rét hại nhưng cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Minh Hóa, việc đưa cây trồng mới, như các loại dược liệu có giá trị cao sẽ là một hướng đi phù hợp.
Tại thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp, ông Đinh Xuân Nghĩa đã mạnh dạn thay thế một số loại cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao... Trong đó, vườn ổi có diện tích 500m2 được ông Nghĩa triển khai trồng từ tháng 12-2018, sau khoảng 6 tháng trồng đã cho thu hoạch, mỗi năm thu hoạch 3 vụ. Ổi được sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học nên chất lượng bảo đảm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
So với một số loại cây trồng khác thì hiệu quả từ việc trồng ổi cao hơn hẳn. Ngoài ra, trong vườn ông Nghĩa còn có trên 100 cây bưởi đang phát triển tốt, tuy chưa đến thời kỳ thu hoạch nhưng theo đánh giá bước đầu của cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện thì cây bưởi ở đây sinh trưởng và phát triển tốt, có tín hiệu khả quan trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện cũng đã áp dụng kỹ thuật mới trong phát triển phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nghề nuôi ong lấy mật. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn có thu nhập khá nhờ việc nuôi ong. Gia đình ông Đinh Trọng Chính, ở thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp là một trong những gia đình nuôi ong có hiệu quả. Hiện nay, ông Chính đang duy trì nuôi 30 đàn ong lấy mật, có những thời điểm nuôi từ 70-100 đàn.
Với kinh nghiệm nuôi ong hàng chục năm, ông Chính đã nắm bắt và ứng dụng một cách hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật về việc nhân đàn, chăm sóc, xử lý bệnh cho đàn ong… Nhờ vậy, đàn ong của gia đình luôn phát triển tốt, năng suất và chất lượng mật cao. Ngoài ra, gia đình ông Chính còn tách đàn để cung cấp cho bà con nhằm phát triển mạnh nghề nuôi ong trên địa bàn.
Với sự chỉ đạo, điều hành sâu sát của các cấp chính quyền trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi của huyện Minh Hóa từng bước được cải thiện. Năm 2020, sản lượng lương thực đạt trên 9.500 tấn; tổng đàn gia súc trên 33.000 con, gia cầm trên 130.000 con, ong lấy mật gần 4.500 đàn... Nhờ đó, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể. So với năm 2019, Minh Hóa giảm thêm 3,68% hộ nghèo, toàn huyện còn 14,66% hộ nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho hay: “Có thể nói, nhờ ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất mà kinh tế-xã hội huyện Minh Hóa đã từng bước khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao. Tuy vậy, so với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Minh Hóa cũng còn nhiều khó khăn. Để phát huy và khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, huyện Minh Hóa tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất và đời sống, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung”.
H.Tr