Bệnh nhân COVID-19 có thể miễn dịch ít nhất 5 tháng sau khi mắc bệnh

  • 08:10, 16/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ đã làm sáng tỏ khả năng miễn dịch của bệnh nhân COVID-19 kéo dài bao lâu sau khi mắc bệnh.
  Bệnh nhân COVID-19 có miễn dịch ít nhất 5 tháng sau khi mắc bệnh. Ảnh: Reuters
Bệnh nhân COVID-19 có miễn dịch ít nhất 5 tháng sau khi mắc bệnh. Ảnh: Reuters
Đài Sputnik (Nga) dẫn nghiên cứu được công bố hôm 1310 trên tạp chí Immunity cho biết những bệnh nhân mắc COVID-19 sản xuất kháng thể “chất lượng cao” có thể ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 từ 5 đến 7 tháng sau đó. -
 
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học Y tế Arizona đã nghiên cứu quá trình sản sinh kháng thể trên gần 6.000 người đã khỏi bệnh COVID-19 và phát hiện ra rằng “khả năng miễn dịch vẫn tồn tại trong ít nhất vài tháng sau khi người đó nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19”. 
 
Theo đó, quá trình xét nghiệm kháng thể dựa trên xét nghiệm máu được thực hiện cho 5.882 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, do trường Đại học Khoa học Y tế Arizona phát động từ hôm 30-4. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể phát triển khả năng  miễn dịch lâu dài với bệnh này sau đó.
 
“Chúng tôi thấy rõ ràng rằng các kháng thể chất lượng cao vẫn được sản sinh ra trong khoảng từ 5 đến 7 tháng sau khi người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2. Đã có nhiều lo ngại cho rằng khả năng miễn dịch chống lại bệnh COVID-19 không lâu dài. Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu này để làm sáng tỏ thắc mắc đó và nhận thấy người đã từng mắc bệnh có khả năng miễn dịch ổn định trong vòng ít nhất 5 tháng”, người đứng đầu nghiên cứu, Phó giáo sư Deepta Bhattacharya tại Khoa Sinh học miễn dịch tại Đại học Y khoa Arizona, cho biết.  
 Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine mRNA-1273 phòng COVID-19 trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine mRNA-1273 phòng COVID-19 trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng kháng thể virus SARS-CoV-2 tồn tại trong máu của bệnh nhân ở mức khả thi trong ít nhất 5 đến 7 tháng sau khi nhiễm bệnh, mặc dù họ tin rằng khả năng miễn dịch có thể còn kéo dài hơn nhiều.
 
Nghiên cứu chỉ ra khi virus đầu tiên xâm nhập vào tế bào, hệ thống miễn dịch sẽ triển khai các tế bào huyết tương có tuổi thọ ngắn để tạo ra các kháng thể chống lại virus ngay lập tức. Những kháng thể đó tồn tại trong máu khoảng 14 ngày kể từ khi mắc bệnh. Giai đoạn thứ hai của phản ứng miễn dịch là tạo ra các tế bào huyết tương có tuổi thọ dài hơn, sản sinh các kháng thể chất lượng cao cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài.
 
“Khoảng thời gian mới nhất mà chúng tôi theo dõi những người bị nhiễm bệnh là 7 tháng. Vì vậy, đó là khoảng thời gian dài nhất mà chúng tôi có thể xác nhận khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu. Những người nhiễm chủng virus SARS-CoV đầu tiên, loại virus giống với SARS-CoV-2 nhất, vẫn có khả năng miễn dịch 17 năm sau khi mắc bệnh. Nếu virus SARS-CoV-2 tương tự với chủng đầu tiên, chúng tôi hy vọng các kháng thể sẽ tồn tại ít nhất 2 năm và rất khó có khả năng nó tồn tại ngắn hơn nhiều”, Giáo sư Bhattacharya cho biết.
 
Theo ông Bhattacharya và các đồng nghiệp của mình, nhiều nghiên cứu trước đây đã đánh giá khả năng sản xuất kháng thể trong thời gian nhiễm bệnh. Họ cho rằng mức độ kháng thể giảm nhanh chóng sau khi bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ cung cấp khả năng miễn dịch ngắn hạn với nó. Tuy nhiên, những phát hiện đó có thể chỉ dựa trên mức độ tế bào huyết tương tồn tại ngắn hạn, làm giảm tác dụng của tế bào huyết tương sống lâu và kháng thể có ái lực cao mà chúng sản sinh ra. 
 
“Liệu các kháng thể có cung cấp sự bảo vệ lâu dài chống lại SARS-CoV-2 hay không là một trong những câu hỏi khó trả lời nhất. Nghiên cứu này không chỉ giúp chúng ta kiểm tra độ chính xác các kháng thể chống lại bệnh COVID-19, mà còn trang bị cho thấy khả năng miễn dịch lâu dài là hiện thực”, Tiến sĩ Michael Dake, phó Chủ tịch cấp cao của Đại học Khoa học Y tế Arizona, nhấn mạnh.
 
Theo Hải Vân (Báo Tin tức)
 

tin liên quan

Tổng kết Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020
Tổng kết Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020

(QBĐT) - Sáng 16-10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Đề án xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) giai đoạn 2018-2020; 3 năm thực hiện biên bản ghi nhớ xây dựng CQĐT giữa UBND tỉnh Quảng Bình và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và lễ công bố nền tảng căn bản CQĐT tỉnh Quảng Bình. 

Nga phê chuẩn vắcxin thứ hai mang tên EpiVacCorona
Nga phê chuẩn vắcxin thứ hai mang tên EpiVacCorona

Vắcxin thứ hai mang tên EpiVacCorona do Trung tâm Nghiên cứu virus học Vektor ở Siberia bào chế, vắcxin này được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Sở Thông tin-Truyền thông và BĐBP Quảng Bình chung tay "giảm nghèo thông tin" ở vùng biên giới, vùng biển
Sở Thông tin-Truyền thông và BĐBP Quảng Bình chung tay "giảm nghèo thông tin" ở vùng biên giới, vùng biển

(QBĐT) - Chiều 14-10, Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết chương trình phối hợp giữa hai đơn vị trong công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới, vùng biển tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.