(QBĐT) - ISO hiểu một cách đầy đủ là việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động ở các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước để phục vụ người dân. Thực hiện chủ trương này, tỉnh đã áp dụng ISO đến tất cả UBND cấp xã, phường, thị trấn, đồng thời xác định lộ trình chuyển đổi tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 sang TCVN ISO 9001:2015 hoàn thành trước ngày 30-6-2021.
![]() |
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã triển khai dự án “Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Bình”, dự kiến đưa vào áp dụng trong năm 2020.
Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức 1 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cho hơn 140 lượt cán bộ, công chức, người lao động của 45 cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh; 8 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 850 lượt cán bộ, công chức, viên chức của 159 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực tế áp dụng ISO tại 13 đơn vị nhằm nắm bắt tình hình cũng như khắc phục những vấn đề không phù hợp trong quá trình áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng này.
Nhìn chung, tất cả các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh và UBND cấp huyện thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng trên địa bàn đã triển khai xây dựng, áp dụng và công bố phù hợp hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 (chiếm tỷ lệ 100%). Trong đó, có 43 cơ quan, đơn vị đáp ứng đầy đủ yêu cầu (chiếm 96%), 2 đơn vị (chiếm 4%) chưa đáp ứng yêu cầu do không thực hiện duy trì, cải tiến và chưa tuân thủ các quy trình ISO ban hành. Điều đáng nói, trong 2 đơn vị không duy trì cải tiến hệ thống quản lý chất lượng có 1 đơn vị là huyện miền núi rẻo cao, đơn vị còn lại là ngành giáo dục-đào tạo (?!).
Thiết nghĩ, để thực hiện hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 và sắp tới là TCVN ISO 9001:2015, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần hiểu đúng để quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống; nâng cao công tác đào tạo kiến thức ISO cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; áp dụng công nghệ thông tin; xây dựng quy trình xử lý công việc khoa học, sát với thực tế chức năng, nhiệm vụ của đơn vị...
Có như vậy, toàn tỉnh mới hình thành được hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả,từng bước cải cách hành chính, góp phần xây dựng chính quyền điện tử theo lộ trình đã đề ra.
Trần Minh Văn