(QBĐT) - Nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường của tỉnh, tiến tới lập bản đồ phông phóng xạ chung của cả nước, tỉnh ta đã thực hiện nhiệm vụ quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tỉnh Quảng Bình. Nhiệm vụ không những đóng góp một phần vào bộ số liệu phóng xạ môi trường chung mà còn giúp người dân có những hiểu biết sâu về sự ảnh hưởng của phóng xạ đến sức khỏe con người.
Hiện nay, ngành kỹ thuật hạt nhân nước ta đang phát triển nhanh chóng. Nhiều cơ sở đã sử dụng các thiết bị có sử dụng nguồn phóng xạ trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, sinh học. Đặc biệt, nước ta đang chuẩn bị triển khai xây dựng hai nhà máy nhiệt điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Với bốn lò phản ứng, mỗi lò công suất 1.000MW và dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2020-2024. Điều này đòi hỏi yêu cầu gắt gao về an toàn phóng xạ. Trong khi đó, nước ta hiện vẫn chưa có một bản đồ phông phóng xạ cho toàn quốc.
Ở tỉnh ta, hiện nay có 4 cơ sở đang sử dụng nguồn phóng xạ là: Nhà máy xi măng Sông Gianh, Nhà máy xi măng Văn Hoá, Nhà máy bia Hà Nội - Quảng Bình và Trung tâm kỹ thuật đo lường thử nghiệm (Nhà máy xi măng Sông Gianh có 5 nguồn, các đơn vị còn lại có 1 nguồn phóng xạ). Bên cạnh đó, nhiều mỏ khoáng sản như vật liệu xây dựng, sét, titan, đang được tiến hành thăm dò, khai thác có nguy cơ xuất hiện lộ thiên các chất phóng xạ nằm sâu trong các lớp đất đá có thể hòa vào môi trường nước hoặc bị khuếch tán vào môi trường không khí dưới dạng khí.
Được biết, năm 2011, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã thực hiện đề tài “Khảo sát đánh giá hiện trạng phóng xạ môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Bình”, kết quả đã khảo sát được suất liều gamma cách mặt đất 1 m tại 726 điểm chia theo lưới ô vuông cách nhau khoảng 1 km trong vùng đất liền ven biển tỉnh. Tuy nhiên, đề tài chỉ mới khảo sát phóng xạ môi trường vùng ven biển mà chưa tổng quát được bức tranh phóng xạ trên toàn tỉnh, chưa đi sâu vào nghiên cứu các đối tượng môi trường có thể gây suất liều cao như: mỏ titan, các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ...
Trong khi đó, đa số trình độ nhận thức của người dân về an toàn bức xạ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những vùng hẻo lánh. Một số hộ dân tại vùng Lệ Thủy vẫn làm nhà, trồng cây và chăn nuôi xung quanh các mỏ khai thác titan, dùng nước suối để sinh hoạt. Việc quản lý về an toàn bức xạ của các cấp, ngành có liên quan vẫn chưa đồng bộ.
Để bổ sung cho các tư liệu còn thiếu và chưa đầy đủ trong lĩnh vực an toàn bức xạ, tiến tới thành lập bản đồ phông phóng xạ môi trường tỉnh giúp người dân nắm bắt. Trung tâm kỹ thuật đo lường thử nghiệm tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tỉnh Quảng Bình.
![]() |
Khảo sát suất liều phóng xạ ở khu vực đông dân cư. |
Với nhiệm vụ này, các điểm được khảo sát suất liều phóng xạ là: khu vực đông dân cư, nhà cao tầng, nguồn phóng xạ, mỏ vật liệu xây dựng, mỏ titan, đo dọc bờ biển, khu công nghiệp bằng cách dùng máy định vị GPS-Silva của Thụy Điển, để xác định toạ độ điểm đã chọn. Dùng thiết bị đo phóng xạ Victoreen, Model 451P của hãng Fluke để đo suất liều phóng xạ cách mặt đất 1 m. Nhiệm vụ đã khảo sát tại 808 điểm đo tại khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 2/808 điểm đo vượt mức giới hạn suất liều theo Tiêu chuẩn TCVN 6866:2001 là Trạm y tế phường Đồng Phú, (Đồng Hới) và Trường mầm non Quảng Tiến (Quảng Trạch).
Theo nhóm thực hiện, khi khảo sát tại hiện trường thì phía sau trạm y tế cây cối khá um tùm, rác thải dân dụng và y tế đều đổ ra khu vực này: mảnh vỡ của gạch men, đồ sành sứ, các loại bao bì, ống tiêm... Khu vực đông dân cư xã Quảng Tiến (Quảng Trạch) là vùng có địa chất chủ yếu là đất feralit đỏ vàng có nguồn gốc tuổi đệ tứ, phân bố giữa đồng bằng. Nguyên nhân gây ra suất liều phóng xạ cao có thể là do địa chất của vùng. Một số địa điểm có suất liều cao như: Kho bạc nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khách sạn 8/3, Ngân hàng Vietcombank, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Khách sạn Thùy Dung. Tất cả các điểm đo này đều có đặc điểm chung là đều sử dụng đá granit trong ốp lát nền hoặc sàn. Theo các nghiên cứu phóng xạ thì đá granit cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng suất liều phóng xạ tự nhiên. Hơn nữa, lượng khí radon tích tụ trong các ngôi nhà làm cho suất liều phóng xạ đo trong nhà luôn cao hơn suất liều phóng xạ đo ngoài trời.
Khảo sát các mỏ đang khai thác titan ở Sen Thủy (Lệ Thủy), suất liều phóng xạ nhiều nơi khá cao. Đặc biệt là ở hai khu vực: sơ tuyển và kho lưu quặng. Kết quả này lớn hơn khoảng gấp 10 lần so với mức yêu cầu đối với dân chúng. Hầu hết các mỏ Hoàng Long, Sen Hồng, Xuất nhập khẩu Quảng Bình đều chưa có các kho lưu chứa quặng kiên cố, chủ yếu dùng các tấm bạt thô sơ để che phủ quặng. Hơn nữa, nước thải các mỏ đều đổ trực tiếp ra sông suối hoặc cho thấm vào cát mà không qua xử lý khiến môi trường càng bị ô nhiễm. Ngoài ra, hầu như các cơ sở khai thác đều sử dụng xe tải hoặc xe ben để vận chuyển quặng titan, thùng xe không gắn biển báo nguy hiểm phóng xạ. Với các điểm khảo sát khác, suất liều phóng xạ đều ở mức cho phép.
Qua nhiệm vụ thực hiện khảo sát, đoàn khảo sát cũng đưa ra một số cảnh báo như: đối với vùng cát có màu sẫm đen, nghi ngờ chứa khoáng vật Ziricon, Monazite chứa các nguyên tố phóng xạ tại vùng biển Quảng Đông, Quảng Trạch và vùng Ngư Thủy Nam, đoàn khảo sát khuyến cáo không nên trồng các cây lương thực, các loại rau để tránh sự tích tụ phóng xạ trong thực phẩm. Đối với các cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ, các cơ quan chức năng cần rà soát các nguồn phóng xạ đang sử dụng hoặc thôi sử dụng trên địa bàn. Với các nguồn không còn sử dụng như Nhà máy xi măng Sông Gianh, cần báo cáo Cục An toàn bức xạ để có biện pháp bảo quản nguồn lâu dài. Định kỳ kiểm tra các biện pháp an toàn như che chắn, khoảng cách nguồn, thời gian chiếu xạ. Bảo đảm hạn chế thấp nhất chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ dân chúng; ở các mỏ titan, chỉ cho phép khai thác ở những vùng xa dân cư ít nhất là từ 2 km trở lên.
Đ.Nguyệt