(QBĐT) - Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh về số lượng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo hướng trang trại, những ứng dụng mới về công nghệ sinh học trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp đã nhanh chóng được áp dụng. Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển kinh tế trang trại hiện nay đã góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta.
Với chính sách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những năm qua tỉnh ta đã hình thành ngày càng nhiều các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo hướng gia trại. Đến nay, toàn tỉnh có 648 trang trại đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Để tạo ra những sản phẩm uy tín, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường các chủ trang trại đã quan tâm đến các thành tựu mới về công nghệ sinh học áp dụng vào phát triển sản xuất của trang trại mình. Đây được xem là một trong những giải pháp đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững.
Một trong những ứng dụng công nghệ sinh học được các chủ trang trại áp dụng nhiều nhất hiện nay đó là công nghệ sinh học về giống. Nhiều loại giống mới có năng suất, chất lượng cao từ giống cây trồng đến vật nuôi ngày càng được sử dụng rộng rãi thay thế cho những giống cũ, kém chất lượng, năng suất thấp. Về giống cây trồng, từ năm 2011 đến nay nhiều giống cây mang những đặc tính chống đổ, năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất như giống cao su RRIC 100, RRIM 712, sắn KM94, Rayong 72... Trong sản xuất lâm nghiệp, kỹ thuật tạo cây con và công nghệ mô hom cũng đang dần phổ biến. Nhờ áp dụng công nghệ này và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất rừng trồng ngày càng được nâng cao.
Trong giống vật nuôi, các loại giống mới đã được các chủ trang trại chủ động đầu tư cải tạo nhằm nâng cao chất lượng đàn giống đồng thời vừa cho giá trị thị trường cao như: lợn 3-4 máu ngoại; bò lai Sind, lai Brahman, lai Droughtmater; vịt siêu thịt, gà Dapaco, gà Ai Cập... Đối với lĩnh vực thủy sản, từ nhiều năm nay các thành tựu về giống tôm, cá như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá rô phi đơn tính... được nuôi rộng rãi trong các gia trại thủy sản. Bên cạnh việc đưa các giống mới về nuôi trồng, nhiều chủ trang trại thủy sản đã sử dụng chế phẩm vi sinh, sinh học để gây màu nước, phòng trừ dịch bệnh và xử lý môi trường nuôi, áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học.
Trong phương thức chăn nuôi, các công nghệ về bảo quản tinh dịch, sử dụng phương pháp phối giống bằng thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng tổng đàn được hầu hết các trang trại sử dụng. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm hầu hết các trang trại đang áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap. Nhiều trang trại đã biết sử dụng chế phẩm sinh học EM, Probiotic... trong nuôi tôm nhằm xử lý môi trường ao nuôi thay thế xử lý bằng hóa chất. Sử dụng các chế phẩm sinh học bổ sung men đường ruột hỗ trợ tiêu hóa, giảm hệ số thức ăn, nâng cao sức đề kháng phòng trừ dịch bệnh. Sử dụng công nghệ sinh học trong chế biến, ủ chua các loại thức ăn cho gia súc, gia cầm nhất là đối với chăn nuôi bò để tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, lạc nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.
Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ sinh học còn được thực hiện trong xử lý chất thải chăn nuôi của các trang trại. Đây là một trong những ứng dụng được nhiều người đánh giá cao. Một thực tế hiện nay là ở hầu hết các trang trại chăn nuôi đang gặp khó đó là không thể xử lý hết những mùi hôi do chất thải chăn nuôi gây ra. Để hạn chế vấn đề này, giải pháp đưa ra của hầu hết các trang trại là xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng hầm Biogas để bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe cộng đồng dân cư vừa tạo được nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Cùng với giải pháp sử dụng hầm Biogas, hiện nay, một số trang trại còn sử dụng đệm lót sinh học để xử lý triệt để chất thải trong chuồng nuôi. Kết quả ứng dụng ở huyện Quảng Ninh và một số địa phương khác cho thấy đây là mô hình có khả năng xử lý tốt mùi hôi từ chất thải chăn nuôi, chi phí thấp, nguyên vật liệu dễ tìm và tiết kiệm được công lao động. Ứng dụng này được xem là một trong những hướng đi mới mở ra nhiều triển vọng cho nhiều trang trại chăn nuôi và ngành chăn nuôi ở tỉnh ta.
Có thể nói, công nghệ sinh học ngày nay đang có vai trò quan trọng không thể thiếu của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực. Trong xu thế nền kinh tế thị trường như hiện nay, việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển nông nghiệp, trong đó là các mô hình kinh tế trang trại là rất cần thiết, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
P.V