Khơi nguồn sáng tạo học đường

  • 11:06, 16/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm giúp học sinh (HS) mở rộng kiến thức văn hóa, phát huy năng khiếu nghệ thuật, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn âm nhạc và mỹ thuật, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục toàn diện.
 
Khơi nguồn sáng tạo
 
Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ môn mỹ thuật được xây dựng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học, tạo cơ hội để HS được vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Ở bậc tiểu học (TH), HS được trang bị những kiến thức cơ bản để từng bước hình thành khả năng cảm thụ cái đẹp. Bậc THCS, HS được làm quen, khai thác vẻ đẹp của di tích, di sản mỹ thuật, thực hành sáng tạo các sản phẩm mỹ thuật, biết cách tìm ý tưởng, thiết kế trang phục, tranh cổ động, trang trí đồ vật ở thể loại mỹ thuật ứng dụng…
 
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn mỹ thuật, hầu hết các trường học bậc TH và THCS đều ưu tiên bố trí phòng học bảo đảm diện tích, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo “thế giới riêng” để HS thỏa sức sáng tạo, thể hiện cảm xúc, ước mơ qua từng nét vẽ.
 
Tham quan phòng học mỹ thuật của Trường TH số 2 Ba Đồn, chúng tôi thật sự ấn tượng với những tác phẩm do HS thực hiện. Mỗi bức tranh kể một câu chuyện hay, truyền tải những thông điệp về phòng chống bạo lực học đường, xây dựng trường học hạnh phúc…, được treo ngay ngắn trên tường, giá vẽ, tạo nên một không gian gần gũi, khơi gợi sự sáng tạo. Những vật liệu tưởng chừng vô giá trị (bìa giấy cũ, hộp xốp, chai nhựa...) đều có thể trở thành nguyên liệu để HS tạo ra sản phẩm mỹ thuật độc đáo. Mỗi giờ học, HS được chia thành từng nhóm, được giáo viên (GV) hướng dẫn, khơi gợi ý tưởng để tạo nên những tác phẩm sinh động, phù hợp với độ tuổi.
Giờ học âm nhạc luôn có sức hấp dẫn với học sinh
Giờ học âm nhạc luôn có sức hấp dẫn với học sinh.
Thầy giáo, họa sĩ Nguyễn Thành Trung (Trường TH số 2 Ba Đồn) cho biết: Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn mỹ thuật, GV luôn đa dạng hóa hình thức học tập, chú trọng hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho HS. Ngoài giờ học chính khóa, HS còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, như: Vẽ tranh theo chủ đề, nội dung các câu truyện; tổ chức cho HS đi thực tế tại các địa điểm có phong cảnh, thiên nhiên đẹp để trực họa (vẽ tại hiện trường)... Qua đó, tạo điều kiện cho HS tiếp xúc trực tiếp với nhân vật, phong cảnh để cảm nhận rõ hơn về hình khối, bố cục, sắc màu…, tạo cảm xúc khi thể hiện tác phẩm. Từ ý tưởng ban đầu của HS, GV hướng dẫn, gợi mở ý tưởng mới, khuyến khích HS sáng tạo, thể hiện tình cảm, cách nhìn của mình về gia đình, cuộc sống qua tác phẩm. Mỗi GV đều có phương pháp dạy học khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là phải khơi gợi niềm đam mê nghệ thuật hướng đến bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho HS. 
 
Hiệu trưởng Trường TH số 2 Ba Đồn Phan Thị Thanh Hà cho hay: Xác định tầm quan trọng của việc phát triển tư duy sáng tạo, cảm xúc thẩm mỹ cho HS, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy môn mỹ thuật và âm nhạc. Các phòng học bộ môn nghệ thuật được thiết kế, trang trí đẹp mắt, tạo không gian học tập thân thiện, truyền cảm hứng cho HS. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy cũng được đầu tư bài bản với đầy đủ các dụng cụ cần thiết, như: Giá vẽ, bảng màu, đàn organ, piano, phách, trống và nhiều thiết bị khác. GV giảng dạy mỹ thuật, âm nhạc của trường đều có trình độ đại học, giàu nhiệt huyết, yêu nghề, luôn đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, nhằm mang đến cho HS những tiết học sinh động, hấp dẫn.
 
Giai điệu kết nối
 
Thực hiện việc chuyển hướng dạy học từ tập trung vào mục tiêu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học, đòi hỏi mỗi GV phải bám sát quan điểm “lấy HS làm trung tâm” để thiết kế, tổ chức bài dạy hấp dẫn, kết nối tích hợp các mạch nội dung, như: Hát, nghe nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ, lý thuyết âm nhạc… Bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức trò chơi âm nhạc, lồng ghép dạy âm nhạc với các hoạt động giáo dục trong, ngoài trường…, HS được trang bị những kỹ năng cơ bản về âm nhạc, được trải nghiệm, khám phá, thể hiện sáng tạo âm nhạc theo cách riêng của mình.
Học sinh thỏa sức sáng tạo với môn học mỹ thuật.
Học sinh thỏa sức sáng tạo với môn học mỹ thuật.
Cô giáo Trần Thị Hiền (Trường THCS Đại Trạch, Bố Trạch) chia sẻ, trong quá trình giảng dạy, cô đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho HS. Với cô, môn âm nhạc không chỉ là môn học rèn luyện cảm thụ nghệ thuật, mà còn góp phần tích cực vào các hoạt động chung của nhà trường. Qua các giờ học, cô đã lựa chọn những HS có năng khiếu để bồi dưỡng, luyện tập, xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện quan trọng, như: Lễ khai giảng năm học mới, chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam và các ngày lễ lớn trong năm... Cô Hiền bày tỏ mong muốn được các cấp quản lý quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo điều kiện thuận lợi để HS có năng khiếu âm nhạc phát triển toàn diện.
 
Em Trần Thị Khánh Nhi, HS lớp 8, Trường THCS Đại Trạch cho hay: Qua môn học âm nhạc, chúng em được tiếp cận, làm quen với nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ hiện đại, biết cách hát đúng, hát hay nhiều ca khúc… Đặc biệt, nhờ môn học này, em đã biết thổi sáo và tự tin hơn trong thể hiện bản thân. Mỗi dịp sinh nhật bố mẹ, người thân, em thường hát hoặc thổi sáo, xem đó là món quà nhỏ để bày tỏ tình cảm.
Ngay từ bậc mầm non, trẻ đã được làm quen với mỹ thuật và âm nhạc thông qua các hoạt động, như: Tập vẽ, tạo hình, khám phá màu sắc, hát, nhảy theo nhạc... Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hai môn học này được đưa vào giảng dạy từ bậc TH đến THPT. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ GV. Hiện tại, bậc THPT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể dạy chính khóa các môn nghệ thuật do thiếu GV chuyên ngành.

Từ các chủ đề: “Tuổi học trò”, “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Giai điệu quê hương”, “Cuộc sống tươi đẹp”, “Nhớ ơn thầy cô”, “Tôi yêu Việt Nam”, “Biển đảo quê hương”…, HS được học các ca khúc hay của âm nhạc Việt Nam, phù hợp với độ tuổi thiếu nhi. Ngoài ra, HS còn được học một số làn điệu dân ca của các vùng quê trong tỉnh, như: Hò khoan, chèo cạn (Trường TH Nhân Trạch, Trường THCS Nhân Trạch, Bố Trạch), hát kiều (Trường TH-THCS Quảng Kim, Quảng Trạch), dân ca Bình Trị Thiên (Trường TH Quán Hàu, Quảng Ninh), hò khoan Lệ Thủy ở các trường TH, THCS trên địa bàn huyện Lệ Thủy…

Những tiết học âm nhạc với các chủ đề phong phú không chỉ giúp HS nâng cao kỹ năng ca hát, biểu diễn… mà còn nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, khơi dậy trong mỗi HS ý thức giữ gìn, phát huy di sản âm nhạc truyền thống của dân tộc.
 Nhật Văn
 

 

tin liên quan

Những lớp học ghép nơi đại ngàn Trường Sơn
Những lớp học ghép nơi đại ngàn Trường Sơn

(QBĐT) - Do thiếu học sinh (HS), nhiều trường học vùng biên giới huyện Minh Hóa phải tổ chức các lớp học ghép. Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn và bất cập, giáo viên và HS nơi đây vẫn luôn nỗ lực để vượt qua, hoàn thành tốt sứ mệnh "trồng người" nơi đại ngàn Trường Sơn.

Tiếng Anh cho em…
Tiếng Anh cho em…

(QBĐT) - "Tiếng Anh cho em-Mùa hè yêu thương" là chủ đề chính trong chương trình tình nguyện do Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức hoạt động dạy tiếng Anh miễn phí cho các em học sinh (HS) mùa hè năm 2025. 

Khẳng định vị thế, chất lượng giáo dục
Khẳng định vị thế, chất lượng giáo dục
(QBĐT) - Năm học 2024-2025 đánh dấu nhiều nỗ lực của thầy và trò ngành giáo dục huyện Bố Trạch trong thi đua dạy tốt, học tốt. Nhờ đó, ngành giáo dục huyện đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.