Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện học bạ số

  • 06:04, 19/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Triển khai học bạ số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số (CĐS) trong ngành Giáo dục, thúc đẩy phát triển xã hội số. Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã và đang nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm thực hiện hiệu quả giải pháp này.
 
Nhiều lợi ích thiết thực
 
Từ năm học 2021-2022, Hệ thống giáo dục Chu Văn An (TP. Đồng Hới) bắt đầu triển khai thực hiện học bạ số ở cả 2 cấp tiểu học và THCS. Đến hết năm học 2023-2024, Trường tiểu học Chu Văn An đã thực hiện học bạ số đối với các lớp từ khối 1-4 và kết nối tới cơ sở dữ liệu học bạ số của Sở GD-ĐT đúng thời gian.
 
Phó hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Hoa cho biết: Thực hiện học bạ số, giáo viên tiết kiệm được thời gian ghi tay và hồ sơ học bạ sạch sẽ, đẹp, không có sai sót. 100% học bạ của học sinh các lớp từ 1-4 được thực hiện thông qua phần mềm. Thông tin được lưu trữ trên môi trường số bảo đảm độ an toàn, bảo mật; tiện truy cập và quản lý.
Việc triển khai, sử dụng học bạ số đem lại nhiều lợi ích trong việc quản lý.
Việc triển khai, sử dụng học bạ số đem lại nhiều lợi ích trong việc quản lý.
“Các thao tác đối với dữ liệu trong học bạ sẽ nhanh hơn, hạn chế sai sót, giảm áp lực trong quản lý hồ sơ, sổ sách cho giáo viên rất nhiều so với học bạ giấy”, cô giáo Nguyễn Thị Thái Hằng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Mỹ (TP. Đồng Hới) khẳng định. Theo cô Hằng, trường triển khai học bạ số từ năm học 2021-2022, đến nay, toàn bộ học bạ của các học sinh từ lớp 1-4 đều đã được số hóa. Để thực hiện tốt mô hình thí điểm, trước đó, nhà trường đã tổ chức tập huấn cách sử dụng, vận hành, quản lý và lưu trữ học bạ số, tra cứu thông tin,…
 
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, kết thúc năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 213/214 trường tham gia thí điểm thực hiện học bạ số (99,53%) và đã phát hành gần 64.000 học bạ cho học sinh khối tiểu học. Việc triển khai, sử dụng học bạ số đem lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận tiện lưu trữ, bảo quản. Đặc biệt, phần mềm cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên, bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong giáo dục, tránh các tiêu cực trong đánh giá, điểm số.
 
Cần sự chuẩn hóa, đồng bộ về dữ liệu
 
Những lợi ích từ việc thực hiện học bạ số đã được khẳng định, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thí điểm. Nhiều phần mềm chưa ổn định, chưa đồng bộ hóa về dữ liệu với các phần mềm quản lý khác nên giáo viên mất nhiều thời gian để cập nhật hồ sơ, bổ sung thông tin.
 
“Mặt khác, các cơ sở giáo dục (CSGD), các địa phương có thể sử dụng phần mềm, ứng dụng của các nhà cung cấp khác nhau; sẽ khó khăn khi không có sự thống nhất. Nếu như học bạ số triển khai đồng bộ được như cơ sở dữ liệu ngành thì sẽ có sự liên kết, tiện lợi cho việc khai thác, quản lý, sử dụng hơn”, cô giáo Hoàng Thị Thu Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An cho hay.
 
Việc sao lưu và tính bảo mật của dữ liệu hiện chưa cao, dễ bị mất, phải khôi phục lại, nhiều đơn vị phải in học bạ ra bản cứng, gây khó khăn trong lưu trữ và kinh phí cho các CSGD. Bên cạnh đó, năm học này, các trường gặp vấn đề khá nan giải, hệ thống đang bị khóa vì chưa có kinh phí để ký hợp đồng với nhà cung cấp.
Phần mềm cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên, tránh các tiêu cực trong đánh giá, điểm số.
Phần mềm cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên, tránh các tiêu cực trong đánh giá, điểm số.
“Chúng tôi mong tiếp tục được hỗ trợ kinh phí cho việc duy trì vận hành như những năm trước đây. Nếu trường phải tự bỏ kinh phí thì một năm, phải chi trả 10 nghìn đồng cho mỗi học sinh, trong khi đó, hiện trường đang phải tự chi trả nhiều phần mềm phục vụ ứng dụng CĐS trong công tác quản lý nên khá khó khăn”, cô giáo Nguyễn Thị Thái Hằng chia sẻ.
 
Trong năm học 2024-2025, ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện học bạ số cho cấp tiểu học; thực hiện thí điểm học bạ số cho 24 trường THCS, 8 trường THPT và 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên. Đến thời điểm này, việc triển khai học bạ số đã đúng tiến độ đề ra trong các kế hoạch của Sở GD-ĐT.
Riêng đối với các trường ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng đủ nhu cầu, hầu hết các thiết bị đã cũ, thiếu đồng bộ, xuống cấp. Vẫn còn một số điểm trường, nhiều thôn, bản tại các địa bàn đặc biệt khó khăn chưa có đường truyền internet tốc độ cao phục vụ việc CĐS nên việc truy cập và xử lý thông tin còn chậm. Một số cán bộ quản lý, giáo viên vẫn chưa bắt kịp với nền tảng số, việc xử lý thông tin và số liệu chưa bảo đảm...
Song song với triên khai học bạ số, nhiều trường vẫn phải in học bạ ra bản cứng.
Song song với triên khai học bạ số, nhiều trường vẫn phải in học bạ ra bản cứng.
 
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hồ Giang Long cho biết: Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tổ chức quán triệt đến toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành về các nghị quyết, đề án, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS,… Từ đó, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh toàn ngành về lợi ích, ý nghĩa của công tác CĐS, học bạ số; sử dụng học bạ số đối với các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính ngành GD-ĐT.
 
Đồng thời, chỉ đạo các CSGD phổ thông rà soát, bổ sung nâng cấp hạ tầng công nghệ phục vụ cho công tác triển khai học bạ số; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ quản lý nhà trường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc triển khai học bạ số tại các CSGD; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ để cung cấp chứng thư số miễn phí cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Đề nghị. UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu hỗ trợ kinh phí cho các CSGD công lập để triển khai thực hiện học bạ số nói riêng và các nhiệm vụ CĐS nói chung.
Chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành giáo dục.
Chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành giáo dục.
Hương Lê

tin liên quan

Chuẩn bị tốt cho kỳ tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT
Chuẩn bị tốt cho kỳ tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT

(QBĐT) - Xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh lớp 10 THPT hàng năm có tính chất rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục-Đào tạo đã và đang triển khai và thực hiện chu đáo.

Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong trường học
Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong trường học

(QBĐT) - Ngày 15/4, Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Quảng Ninh: Phấn đấu có thêm 7 trường đạt chuẩn quốc gia
Quảng Ninh: Phấn đấu có thêm 7 trường đạt chuẩn quốc gia
(QBĐT) - Phó trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Quảng Ninh Lê Quang Thùy cho biết, toàn huyện hiện có 39/47 trường đạt chuẩn quốc gia trong chu kỳ 5 năm (đạt tỷ lệ 82,98%), là một trong những địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao của tỉnh.