(QBĐT) - Qua 4 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bậc giáo dục tiểu học (TH) đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá học sinh (HS). Sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV) cùng những điểm mới, ưu việt của chương trình đã giúp HS hình thành, phát triển những yếu tố căn bản, đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần, phẩm chất và năng lực…
Đồng bộ nhiều giải pháp
Trong những năm qua, toàn tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học và quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục (CSGD) TH phù hợp với thực tiễn tại từng địa bàn. Hiện tại, các trường học đều có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định, đủ sách giáo khoa, tài liệu bổ trợ, tài liệu tham khảo cho HS, GV. Ngành GD-ĐT và các địa phương đã tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các CSGD, sáp nhập nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ…
Là trường học đóng trên địa bàn miền núi rẻo cao của huyện Minh Hóa, Trường phổ thông Dân tộc bán trú TH-THCS Dân Hóa đã có nhiều nỗ lực trong triển khai chương trình GDPT mới. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Chương cho hay: Năm học này, toàn trường có 601 HS với 27 lớp học tại 5 điểm trường, trong đó có 4 điểm lẻ ở các bản. Mặc dù còn nhiều khó khăn song toàn thể cán bộ, GV luôn nêu cao tinh thần tự học để đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành, được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị… Đó là điều kiện thuận lợi để trường triển khai Chương trình GDPT 2018, từng bước rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền trên địa bàn tỉnh.
Xác định xây dựng đội ngũ nhà giáo là yếu tố quan trọng quyết định đến việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới giáo dục, Sở GD-ĐT luôn chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, GV. Ngành đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu hoặc sử dụng GV không phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đề xuất các phương án điều chuyển, biệt phái GV từ nơi thừa sang nơi thiếu.
![]() |
Toàn ngành còn tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, GV tập trung vào các nội dung, như: Hướng dẫn công cụ, phần mềm dạy học trực tuyến, tập huấn đại trà những mô đun về Chương trình GDPT 2018, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng trường học hạnh phúc, giáo dục STEM… 100% các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” phù hợp với tình hình thực tế để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Chủ động thích ứng với cái mới
Xác định đổi mới phương pháp dạy học là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ GV đã tích cực học tập, khai thác tài liệu số, các nền tảng học liệu tương tác để xây dựng bài giảng phong phú, tạo sức hút đối với HS. Việc vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, chú trọng áp dụng giáo dục STEM, xây dựng môi trường học tập tích cực đã truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần tự giác học tập ở HS.
Mặc dù năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT mới đưa STEM thành hoạt động bắt buộc ở các trường TH trên cả nước song tại tỉnh ta, nhiều trường học đã triển khai từ sớm, nhất là trên địa bàn TP. Đồng Hới. Từ năm học 2019-2020, Trường TH Chu Văn An và Trường TH Đồng Mỹ triển khai giáo dục STEM với nhiều hoạt động thiết thực nhằm trang bị cho HS những kiến thức, kỹ năng lên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn.
Đến nay, tất cả các trường trên địa bàn TP. Đồng Hới đều chú trọng triển khai phương pháp giáo dục này, tạo “luồng gió mới” trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Một trong những hoạt động được Phòng GD-ĐT thành phố chú trọng tổ chức hàng năm là “Ngày hội STEM”, “Ngày hội em yêu khoa học”… với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của GV, HS.
Qua đó, HS được làm quen với với môi trường số và trải nghiệm nhiều sân chơi bổ ích, như: Rung chuông vàng, trạng nguyên nhí, thủ lĩnh Toán học, trải nghiệm văn hóa các nước nói Tiếng Anh, tìm hiểu lịch sử, địa lý của địa phương… Ngoài ra, HS còn được giáo dục kỹ năng sống, tự tay sáng chế đồ dùng học tập, đồ chơi và thể hiện năng khiếu cá nhân, như: Hát, múa, hóa trang, diễn kịch, vẽ…
Trong hoạt động dạy học, đa số GV đều chú trọng đến việc thiết kế, tổ chức giờ dạy sinh động, tạo môi trường cho HS tương tác, khám phá, thực hành nhằm kết nối kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
Chị Trần Thị Miên (Đức Ninh, TP. Đồng Hới) cho biết: Là GV đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày chị vẫn nghiên cứu sách giáo khoa và các tài liệu để hỗ trợ các cháu trong học tập. Chị nhận thấy chương trình GDPT mới có nhiều ưu điểm, nội dung được tinh giản, tập trung vào những kiến thức cơ bản, cốt lõi… HS được chủ động khám phá, tìm hiểu, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì chỉ tiếp nhận một cách thụ động. Đặc biệt, việc đưa môn Tin học và Tiếng Anh vào giảng dạy tạo cơ hội cho HS tiếp cận với kỹ năng số và ngoại ngữ từ sớm.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 553 trường học, CSGD, trong đó có 170 trường TH, 39 trường TH và THCS. Đây cũng là năm ngành GD-ĐT tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm cán đích 5 năm triển khai chương trình GDPT mới. Vì vậy, toàn ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư đồng bộ và một số tồn tại, hạn chế khác để bảo đảm chất lượng chương trình một cách đồng bộ.
“Chương trình GDPT 2018 được triển khai trong điều kiện khó khăn song nhờ sự vào cuộc đồng bộ của toàn ngành và nỗ lực của mỗi GV, HS cùng sự đồng thuận của phụ huynh nên đã đạt được những kết quả nhất định. Chất lượng dạy học ổn định, vững chắc, từng bước đi vào chiều sâu. Kết quả học tập, rèn luyện của HS có nhiều chuyển biến tích cực. Để phát huy tính ưu việt của chương trình theo quan điểm phát triển phẩm chất, năng lực, giúp HS làm chủ kiến thức, vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống… thời gian tới, toàn ngành tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển đội ngũ, tập trung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá… từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn nhấn mạnh. |
Nh.V