Cần nhiều giải pháp, chính sách trong phát triển giáo dục-đào tạo

  • 06:12, 10/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đó là nội dung ý kiến của đại biểu Phan Trần Nam ở phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) diễn ra vào chiều 9/12.

a
Đại biểu Phan Trần Nam phát biểu tại phiên thảo luận.

Đánh giá về công tác giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), đại biểu Phan Trần Nam khẳng định: Năm 2024, ngành GD-ĐT đã có nhiều nổ lực trong việc đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục (CSGD) chủ động triển khai kế hoạch năm học, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng thực chất, phản ánh đúng tình hình của các CSGD, các địa phương.

Qua theo dõi, giám sát lĩnh vực giáo dục, UBND tỉnh tích cực chỉ đạo thực hiện hiệu quả một số kiến nghị của Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh trong lĩnh vực GD-ĐT, nhất là việc tạo điều kiện cho các địa phương, CSGD chủ động hợp đồng giáo viên từ đầu năm học; sửa đổi, bổ sung một số chính sách đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS); quan tâm, bổ sung đầu tư để tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.

Để tiếp tục phát triển GD-ĐT thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, đại biểu Phan Trần Nam  đề nghị cần quan tâm một số nội dung sau:

Về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đến năm 2025, tỉnh ta có trên 75% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt trên 52% số trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, số trường quá hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia 23%.

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều tiêu chí, nhưng khó nhất vẫn là tiêu chí về cơ sở vật chất (CSVC). Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT về chuẩn CSVC được nâng lên rất cao nên nhiều trường không đáp ứng theo quy định chuẩn mới, do đó phải sụt chuẩn.

Cùng đó, thực hiện theo phân cấp ngân sách nên các trường THCS, tiểu học, mầm non thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện, xã không được phân bổ từ ngân sách tỉnh. Trong phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp huyện hàng năm chỉ bố trí hỗ trợ kinh phí sửa chữa, tăng cường CSVC cho trường đạt chuẩn quốc gia 150 triệu/trường và 300 triệu/trường đăng ký chuẩn quốc gia năm 2025.

b
Chất lượng GD-ĐT toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng thực chất.

Số kinh phí này còn quá ít so với nhu cầu đầu tư CSVC để đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Nhất là đối với các địa bàn khó khăn, ĐBDTTS, miền núi thì việc đầu tư xây dựng trường học từ ngân sách cấp huyện, xã ở những địa bàn này càng khó khăn hơn.

Dẫn chứng vấn đề này, đại biểu Phan Trần Nam lấy ví dụ ở địa bàn huyện Minh Hóa, đầu năm học 2023-2024, có 18 trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng đến nay chỉ còn 3 trường đạt chuẩn trong tổng số 48 trường thuộc quản lý của huyện do một số trường sụt chuẩn.

Từ thực tế đó, nếu giao ngân sách huyện, xã đầu tư thì sẽ rất khó khăn vì nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất ở những địa bàn này còn quá ít ỏi so với nhu cầu đầu tư.

Để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thời gian tới thuận lợi hơn, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 sắp tới, đề nghị Sở Kế hoạch-Đầu tư xem xét, tham mưu bố trí một nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ có mục tiêu cho cấp huyện để giải quyết các vấn đề cấp bách về nâng cấp, sửa chữa trường lớp học, nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ tại các trường học thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện. Nhất là ưu tiên ở các địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, vùng ĐBDTTS mà ngân sách cấp huyện không đáp ứng được.

f
Nhiều trường học trên địa bàn huyện Minh hóa khó đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới

Về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập: Đại biểu Phan Trần Nam cho biết, hoàn toàn nhất trí với Nghị quyết quy định chế độ ưu đãi tiền thuê đất đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích kinh doanh thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư được UBND tỉnh trình tại kỳ họp này.

Đối với lĩnh vực giáo dục, sự phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập có vai trò quan trọng góp phần giảm tình trạng quá tải cho giáo dục công lập, giảm gánh nặng về biên chế, ngân sách nhà nước.

Hiện nay, số lượng các CSGD ngoài công lập ở tỉnh ta đều thấp hơn so với chỉ tiêu về phát triển giáo dục ngoài công lập theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019-2025 ở tất cả các cấp học, bậc học. Đối với giáo dục mầm non có 13 CSGD ngoài công lập chiếm khoảng 7,2% số trường mầm non trong toàn tỉnh. Trong khi chỉ tiêu tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ đến năm 2025 là 25% số trường và 30% số trẻ em theo học tại các trường ngoài công lập; đối với giáo dục phổ thông, đến nay tỉnh ta mới có 2 trường.

Mặc dù, các CSGD ngoài công lập số lượng còn khiêm tốn, nhưng đã đáp ứng được một phần nhu cầu học tập của xã hội, nhất là ở bậc học mầm non. Các CSGD đã quan tâm đầu tư CSVC bảo đảm theo quy định; một số CSGD được đầu tư khang trang, áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đạt chất lượng theo quy định. Các cơ sở này đã góp phần rất lớn trong việc huy động trẻ em mầm non ra lớp, tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục mầm non, bảo đảm mọi trẻ em đều có cơ hội đến trường.

Trong điều kiện, biên chế ngày càng tinh giảm, ngân sách đầu tư cho giáo dục còn gặp khó khăn, việc khuyến khích nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở GD-ĐT phục vụ nhu cầu học tập của người dân. Ngoài các chính sách ưu đãi tiền thuê đất được thông qua tại kỳ họp này, đề nghị tỉnh xem xét, ban hành thêm các chính sách để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.


Cụ thể: Về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tại CSGD ngoài công lập đã được quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT có quy định hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học ở các CSGD ngoài công lập ở địa bàn không đủ trường công lập. Địa bàn không đủ trường công lập được xác định bằng quy mô dân số trong độ tuổi tiểu học và số phòng học của các trường tiểu học công lập trên địa bàn. Ở các địa bàn định mức học sinh trên lớp cao hơn định mức do Bộ GD-ĐT quy định thì xem xét hỗ trợ học phí cho học sinh ở các trường dân lập.

Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, có chính sách phát triển và mở rộng quy mô hệ thống CSGD mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đồng thời giảm bớt gánh nặng về ngân sách và biên chế giáo viên cho nhà nước, giảm quá tải đối với các trường mầm non công lập, nhất là khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố.

d
Cần đầu tư CSVC để nâng cấp các trường PTDTNT cấp huyện.

Về tăng số lượng tuyển sinh học sinh đồng bào DTTS học THPT: Đại biểu Phan Trần Nam dẫn chứng Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng ĐBDTTS, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025 đã đưa ra nhiều quan điểm, chỉ tiêu và giải pháp để phát triển GD-ĐT vùng ĐBDTTS và miền núi.

Trong đó có chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ học sinh học THPT đạt trên 60%. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát, đến năm học 2024-2025, tỷ lệ học sinh ĐBDTTS tốt nghiệp THCS tham gia học THPT đạt thấp dưới 50%. Chỉ số này, toàn tỉnh bình quân đạt trên 90%. Việc tuyển sinh học sinh ĐBDTTS vào học bậc THPT tỷ lệ còn quá thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh có nhiều nguyên nhân.

Trước hết là do Trường PTDTNT tỉnh đến nay quy mô tuyển sinh còn thấp so với nhu cầu học THPT của các em. Trong khi đó, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải tham gia học THPT ở các trường THPT ở địa bàn khác. Vấn đề này trong báo cáo giám sát về GD-ĐT, Thường trực HĐND tỉnh đã có kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì.

Trước thực tế này, đại biểu Phan Trần Nam kiến nghị UBND tỉnh xem xét phương án đầu tư thêm CSVC để tăng quy mô tuyển sinh của Trường PTDTNT tỉnh hoặc đầu tư CSVC để nâng cấp các trường PTDTNT cấp huyện đào tạo liên cấp trong đó có bậc học THPT để tăng số lượng tuyển sinh con em ĐBDTTS vào học THPT.

Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐB DTTS, rất mong UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở GD-ĐT, các ngành, địa phương sớm nghiên cứu có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

                                        Bùi Thành (thực hiện)

tin liên quan

Nâng cao số lượng, chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia
Nâng cao số lượng, chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia

(QBĐT) - Sáng 10/12, đại biểu Trần Thị Thanh Phượng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia.

Hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

(QBĐT) - Tăng cường hợp tác quốc tế là một trong những hướng đi Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình lựa chọn từ nhiều năm nay.

Thầy giáo của bản, làng
Thầy giáo của bản, làng

(QBĐT) - Yêu trò như con, thầy giáo Hoàng Xuân Dục (SN 1978), Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học-trung học cơ sở Lâm Hóa (Tuyên Hóa) không chỉ làm tròn trách nhiệm của người "gieo chữ" mà còn là người cha thứ hai của những học sinh người dân tộc thiểu số.