(QBĐT) - Xác định giáo dục mầm non (GDMN) là bậc học đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, toàn tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển mạng lưới trường, lớp và chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ...
“Học bằng chơi, chơi mà học”
Để nâng cao chất lượng GDMN, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”, ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến nhằm tạo ra môi trường giáo dục mang tính “mở”, kích thích tính chủ động, sáng tạo của trẻ.
Được tham gia các lớp tập huấn về đổi mới phương pháp GDMN do Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới tổ chức, cô giáo Võ Hoa Phượng (Trường MN Bảo Ninh) đã tích cực áp dụng phương pháp STEAM theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” vào thực tiễn công việc. Đây là phương pháp giáo dục hiện đại, giúp trẻ tiếp thu kiến thức từ nghệ thuật, khoa học thông qua phát triển tư duy đa chiều và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Xác định nội dung trọng tâm trong từng tháng, cô Phượng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học với các hoạt động trải nghiệm thiết thực cho trẻ, như: Làm đèn lồng, làm quen với chữ cái, khám phá “cây gia đình”, làm nhà nổi, tìm hiểu về nghề xây dựng, tạo hình các con vật từ nguyên vật liệu sẵn có… Trẻ còn được hướng dẫn cách lắp ghép các hình học tạo thành hình mới; làm thiệp tặng mẹ, cô giáo; khám phá nhiều điều mới lạ từ chủ đề “Chiếc ô tô kỳ diệu” và tạo hình “làm thuyền chạy trên nước”, làm quen nhạc cụ song loan...
Với hình thức vừa học vừa chơi, trẻ còn được khám phá, tìm hiểu về đời sống lao động của người dân vùng biển Bảo Ninh, như: Thực hành đan lưới, cùng các sân chơi mô tả cảnh mua bán hải sản, đặc sản của quê hương...
![]() |
Chia sẻ về những nỗ lực trong áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến vào bậc học MN, cô giáo Võ Hoa Phượng cho hay: “Nhận thấy việc ứng dụng giáo dục STEAM rất cần thiết đối với giáo dục MN, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và bắt tay vào sắp xếp, bố trí các góc hoạt động trong lớp mang tính mở, tận dụng các không gian để trẻ hoạt động. Chúng tôi còn sử dụng đa dạng các vật liệu khác nhau và làm ra nhiều đồ dùng, đồ chơi để trẻ lựa chọn trong các hoạt động thực hành, trải nghiệm. Qua các buổi học STEAM, bước đầu đã giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề từ thực tiễn”.
TP. Đồng Hới là địa phương thực hiện tốt việc áp dụng các phương pháp tiên tiến trong chương trình GDMN. 100% cơ sở GDMN thực hiện đổi mới hình thức phương pháp tổ chức các hoạt động theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, 23/24 trường triển khai áp dụng phương pháp STEAM, 8 nhóm trẻ độc lập tư thục và 1 trường MN tư thục áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến Montessori. Đa số các trường lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức phù hợp với thực tế và nhu cầu của trẻ theo từng độ tuổi.
Các nhà trường còn chủ động, sáng tạo trong sưu tầm, làm thêm các đồ dùng, đồ chơi, đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng phục vụ phát triển vận động của trẻ, như: Thang leo, cổng chui, cột ném bóng rổ, đích ném, vòng, gậy, bóng và đồ chơi ngoài trời, xây dựng góc phát triển thể chất, tạo điều kiện cho trẻ vận động, vui chơi, rèn luyện sức khỏe...
Bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau, các trường học đều đổi mới phương pháp giáo dục chăm sóc trẻ, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, như: Làm bánh, trồng và chăm sóc rau, tạo hình, vẽ tranh... Nhờ đó, trẻ tự tin hơn trong giao tiếp, hăng say sáng tạo và hứng thú hơn mỗi khi đến trường.
Thực tế cho thấy, thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” tạo nên những sự thay đổi tích cực cho việc dạy và học của giáo viên (GV), học sinh (HS). Trong quá trình giảng dạy, GV chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở, còn trẻ là người thực hiện chính. Vì vậy, mỗi GV đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động trong đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp giáo dục để trẻ được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, bảo đảm “học bằng chơi, chơi mà học”.
Tất cả vì trẻ thơ
Những năm gần đây, toàn tỉnh tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm sắp xếp, phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường MN công lập (riêng xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch có 1 trường do quy mô số lượng trẻ trên địa bàn xã Tân Trạch không đủ để thành lập trường theo quy định).
Toàn tỉnh hiện có 180 trường MN; trong đó, 167 trường công lập, 92 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, 87/180 trường đạt chuẩn quốc gia. Để triển khai tốt chương trình GDMN, các huyện, thị xã, thành phố đã ưu tiên đầu tư nguồn lực, đặc biệt quan tâm đến các trường học thuộc vùng khó khăn.
Tại huyện Bố Trạch, ngoài việc đầu tư xây dựng nâng cấp phòng học, phòng chức năng cho các trường MN, Phòng GD-ĐT huyện còn chỉ đạo các nhà trường triển khai tốt công tác bán trú cho trẻ. Chỉ tính riêng trong năm học 2023-2024, huyện xây mới và cải tạo 10 bếp ăn. Hiện tại, toàn huyện có 35/35 trường MN có bếp ăn, số bếp kiên cố, bán kiên cố chiếm tỷ lệ gần 95%. Các cơ sở giáo dục đều thực hiện nghiêm túc công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện tính khẩu phần ăn cho trẻ hàng ngày bằng phần mềm theo quy định. 100% trẻ đến trường được bảo đảm an toàn tuyệt đối.
![]() |
Là địa phương còn nhiều khó khăn, song huyện Tuyên Hóa luôn chú trọng đến công tác phát triển giáo dục, nhất là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa. Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hoàng Minh Chiến cho hay: Điểm thuận lợi của Tuyên Hóa trong GDMN là đã có mạng lưới trường, lớp đến tận từng thôn, bản. Công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn đạt tỷ lệ 100%. Đáng ghi nhận là nhiều năm qua các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn vượt khó để tổ chức tốt bữa ăn bán trú cho trẻ. Có những điểm trường lẻ cách trung tâm 5-7km nhưng đội ngũ GV, nhân viên các trường học vẫn triển khai bữa ăn bán trú cho trẻ bảo đảm dinh dưỡng.
Tiêu biểu là Trường MN Lâm Hóa với việc duy trì mô hình “chở cơm cho em” hơn 14 năm qua. Ngoài ra, nhà trường còn kêu gọi, huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng, các nhà hảo tâm để nâng cao chất lượng công tác bán trú và tặng HS những món quà thiết thực, như: Quần áo, dép, mũ… vào dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết cổ truyền của dân tộc.
Trường MN Thanh Lạng, nơi có nhiều HS người dân tộc Chứt theo học cũng thực hiện rất tốt việc huy động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nhằm xây dựng nguồn quỹ mua lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho HS và gia đình HS người dân tộc Chứt, nhất là trong thời điểm giáp hạt. Cán bộ, GV, nhân viên trong trường còn tự nguyện đóng góp 20.000 đồng/người/tháng để giúp đỡ những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Từ những nỗ lực đó, chất lượng GDMN trên địa bàn tỉnh được tăng lên đáng kể. Cảnh quan, môi trường các cơ sở GDMN được quan tâm đầu tư theo hướng xanh-sạch-đẹp-thân thiện, đáp ứng nhu cầu cho trẻ trải nghiệm. Đó là điều kiện thuận lợi để ngành GD-ĐT chuẩn bị triển khai thí điểm chương trình GDMN mới. Ngành cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu GV, cơ sở vật chất của một số trường chưa đồng bộ; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa GDMN, tăng cường nguồn lực để các cơ sở GDMN phát triển đồng bộ.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Mai Thị Liên Giang: “Điểm nổi bật nhất của bậc học MN là triển khai nhân rộng các mô hình điểm, như: Trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, bữa ăn bán trú cho trẻ vùng khó khăn, áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số... Toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm thực hiện công tác phổ cập cho trẻ mẫu giáo. Đây được xem là cơ hội để các trường học, cơ sở giáo dục hoàn thiện cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng GDMN.” |
Nh.V