Khẩn trương vệ sinh trường lớp, bảo đảm việc dạy và học

  • 07:11, 01/11/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đến thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục (CSGD) vẫn chưa thể tổ chức hoạt động dạy học, nhất là ở vùng “rốn lũ” huyện Lệ Thủy và một số địa phương của huyện Quảng Ninh. Để đón học sinh (HS) trở lại trường an toàn, các CSGD đang khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh với phương châm “nước rút đến đâu, khắc phục đến đó”.

Do ảnh hưởng cơn bão số 6 (Trami), trên địa bàn tỉnh có mưa rất to khiến nhiều nơi bị chia cắt, hàng nghìn ngôi nhà, trường học, trụ sở làm việc bị ngập lụt, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Dù đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nhưng nhiều trang thiết bị, dụng cụ học tập tại không ít trường học vẫn bị hư hỏng, nhất là những thiết bị ngoài trời ở các trường tiểu học và mầm non. Đặc biệt, do nước lụt rút chậm nên các trường gặp khó khăn trong triển khai dọn dẹp, vệ sinh.

Trong đợt ngập lụt này, toàn tỉnh có 84 trường học với 832 phòng học bị chìm trong “biển nước”, trong đó có trường ngập sâu trên 2m. Địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất là huyện Lệ Thủy với 41 trường (448 phòng học) bị ngập lụt và nhiều trường bị ảnh hưởng. Toàn huyện Quảng Ninh có 33 trường với 348 phòng học bị ngập nước.

Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vững cho hay: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT huyện đã triển khai sớm các hoạt động nhằm ứng phó với thiên tai. Tất cả các CSGD đều chủ động di chuyển trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách vở lên tầng trên hoặc những nơi an toàn, giằng chống cửa, thiết bị ngoài trời cẩn thận để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão lụt gây ra. Hiện nay, huyện đang tập trung toàn lực để dọn dẹp nhằm ổn định tình hình để tổ chức hoạt động dạy và học.

Các trường học tập trung công tác vệ sinh sau lũ.
Các trường học tập trung dọn dẹp vệ sinh sau lũ.

Nhằm khắc phục kịp thời hậu quả do ngập lụt gây ra, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nguồn lực, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và phải bảo đảm an tuyệt đối cho HS, giáo viên (GV), đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học. Các CSGD đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn khẩn trương tổ chức làm vệ sinh trường học ngay khi nước rút để hạn chế các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, đề phòng các loại dịch bệnh phát sinh sau lụt. Với tinh thần “nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó” các CSGD bắt tay vào dọn dẹp sớm nhất có thể.

Thấu hiểu sự vất vả của cán bộ, GV vùng ngập lụt huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, những ngày này, các cán bộ, chiến sĩ Công an cùng đoàn viên, thanh niên, phụ huynh HS… đã giúp các trường dọn vệ sinh. Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Ninh (Quảng Ninh) Hoàng Thị Ngoan chia sẻ: “Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của các lực lượng nên trường chúng tôi cơ bản đã xử lý được lượng bùn đất, rác thải…”.

Không chỉ các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, nhiều tuyến đường, nhà dân ở TP. Đồng Hới cũng bị ngập lụt do mưa lớn. Trường mầm non Phú Hải là nơi bị ngập sâu nhất. Nhiều thiết bị phục vụ cho công tác dạy học và vui chơi của trẻ bị hư hỏng. 

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trước khối lượng công việc lớn, các cô giáo đều phải gác lại việc nhà để lo việc trường nhằm sớm trả lại môi trường sạch, đẹp trước khi đón trẻ. Ngoài sự nỗ lực của cán bộ, GV, trường còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng bộ đội, công an, đoàn viên, thanh niên và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Công an TP. Đồng Hới đã hỗ trợ bếp gas để trường triển khai hoạt động bán trú khi đón HS trở lại vì bếp ăn và một số trang thiết bị đã hư hỏng do nước lụt. Nhà trường còn phối hợp với lực lượng y tế để tiến hành khử khuẩn môi trường, ngăn chặn các nguy cơ phát sinh dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho HS khi đi học trở lại...

Nhờ triển khai sớm các hoạt động nên đến ngày 31/10, nhiều trường học vùng ngập lụt đã đón HS trở lại. Huyện Lệ Thủy có 9 trường triển khai dạy học trực tiếp và trực tuyến. Huyện Quảng Ninh có 27 trường, CSGD tổ chức dạy học...

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Đỗ Thị Quế: “Công đoàn ngành đang rà soát, nắm bắt tình hình đời sống, những khó khăn do ảnh hưởng do ngập lụt của cán bộ, đoàn viên công đoàn và HS ở các trường học để có biện pháp giúp đỡ kịp thời; đồng thời đề nghị công đoàn cấp trên quan tâm hỗ trợ thiết thực nhằm động viên tinh thần cho đội ngũ cán bộ, GV, HS vùng ngập lụt khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống để triển khai tốt hoạt động dạy và học...”.

Nh.V 

tin liên quan

Chung tay xây dựng văn hóa học đường
Chung tay xây dựng văn hóa học đường

(QBĐT) - Nhiều năm qua, ngành Giáo dục-Đào tạo tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm thực hiện tốt mục tiêu "dạy chữ đi đôi với dạy người". 

Chắp cánh đam mê, gieo mầm tri thức
Chắp cánh đam mê, gieo mầm tri thức

(QBĐT) - "Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ đơn thuần là một cuộc thi mà bản thân nó đã lan tỏa tình yêu sách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, "đánh thức" những ai vẫn còn chần chừ khi đọc sách, với mong muốn xây dựng một xã hội giàu lòng nhân ái, văn minh, một đất nước phồn vinh mà ở đó người người, nhà nhà đều chọn sách là người bạn đồng hành". Cô học trò tuổi 17 Hoàng Ngọc Mỹ Linh, học sinh Trường THPT Đào Duy Từ (TP. Đồng Hới) đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng những lời sâu sắc như thế.

Đồng bộ giải pháp thúc đẩy chất lượng dạy và học tiếng Anh
Đồng bộ giải pháp thúc đẩy chất lượng dạy và học tiếng Anh

(QBĐT) - "Nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học..." là nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh theo Kết luận số 91-KT/TW của Bộ Chính trị.