(QBĐT) - Xác định giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, tình cảm, hành vi cá nhân của HS, nhiều năm qua, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm thực hiện tốt mục tiêu “dạy chữ đi đôi với dạy người”. Bằng các hoạt động, như: Quan tâm đến HS có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng, kết nạp Đảng cho HS ưu tú, tổ chức tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động… đã tạo điều kiện cho HS rèn luyện, phấn đấu, khẳng định năng lực của bản thân.
Phong phú các hoạt động
Cùng với việc truyền đạt kiến thức, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HS luôn nhận được sự quan tâm của các trường học, cơ sở giáo dục và toàn xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi sự lệch chuẩn về đạo đức HS đang có chiều hướng gia tăng.
Xuất phát từ thực tế ngày càng có nhiều HS sử dụng điện thoại di động ngay cả trong giờ học, Trường THCS số 1 Bắc Lý (TP. Đồng Hới) đã cấm HS mang điện thoại tới trường. Trước khi đưa ra quyết định này, nhà trường tổ chức họp GV, trao đổi với phụ huynh và nhận được sự đồng thuận rất cao.
Em Phạm Vũ Nhật An, HS lớp 7 của trường cho hay: “Không sử dụng điện thoại giúp chúng em tập trung hơn trong học tập và tham gia các hoạt động tập thể. Nhờ đó, chúng em cảm thấy tinh thần thoải mái và học tập tốt hơn”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, Trường THCS số 1 Bắc Lý chia sẻ: “Để HS thực hiện nghiêm túc việc không mang điện thoại đến trường, chúng tôi tổ chức cho HS tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, đồng thời xây dựng bài giảng thật phong phú để mỗi tiết học đều trở nên sôi nổi, tạo sự hứng thú cho HS. GV còn chuyển tải đến HS nhiều thông tin bổ ích, như: Tác hại của việc sử dụng điện thoại quá nhiều, hậu quả từ việc lỡ khai thác vào những trang web có nội dung không lành mạnh...”.
Một trong các giải pháp được các trường chú trọng thực hiện là tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HS vào từng môn học, nhất là các môn: Giáo dục công dân, Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử. Từ những hoạt động cụ thể như cung cấp kiến thức để HS biết cách bảo vệ bản thân an toàn trên môi trường mạng, biết khai thác các tiện ích của công nghệ thông tin trong học tập, biết mặt trái của việc lạm dụng mạng xã hội... các trường học đã mang đến cho HS nhiều bài học thực tế. Từ đó, hướng HS đến những hành động, việc làm tích cực, khơi dậy khát vọng cống hiến trong mỗi HS.
![]() |
Các trường học còn tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực”, tổ chức nhiều hoạt động về nguồn… mang đến cho HS những sân chơi bổ ích, hấp dẫn. Nhiều trường học còn xây dựng mô hình truyền thông tạo cơ hội cho HS tham gia vào hoạt động tuyên truyền nhằm lan tỏa những giá trị tích cực trong môi trường văn hóa học đường.
Tiêu biểu, như mô hình Câu lạc bộ Media Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, THPT Đào Duy Từ; các câu lạc bộ: Sen xanh, đội viên nhí, phóng viên nhỏ của Trường tiểu học Hải Đình (TP. Đồng Hới), Tiểu học số 1 Hưng Trạch (Bố Trạch)… Từ các mô hình này, HS được thể hiện, phát triển khả năng giao tiếp, viết, vẽ, chụp ảnh, xây dựng sản phẩm truyền thông, chuyển tải nhiều câu chuyện có ý nghĩa, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong học đường.
“Ươn mầm cho Đảng”
Xác định phát triển đảng viên trong HS là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng đảng ở các trường học, thời gian qua, ngành GD-ĐT rất quan tâm đến công tác này nhằm giúp HS có thêm động lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện, lan tỏa niềm tin yêu của thế hệ trẻ đối với Đảng.
Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học-Thường xuyên (Sở GD-ĐT) Lê Thị Ngọc Bé cho hay: Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 124 HS được tham gia học tập lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng, có 53 HS được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Qua theo dõi của các cấp ủy, hầu hết đảng viên là HS sau khi tốt nghiệp THPT đều phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu ở môi trường học tập mới.
Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp là đơn vị triển khai rất tốt công tác phát triển Đảng cho HS. Ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, đóng góp cho tỉnh nhiều HS đoạt giải tại các cuộc thi HS giỏi cấp quốc gia, quốc tế, trường còn đứng đầu khối THPT toàn tỉnh về số lượng HS được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bắt đầu từ năm 2001, trường đã quan tâm đẩy mạnh việc bồi dưỡng tạo nguồn cho Đảng từ những HS ưu tú. Đến nay, tại ngôi trường này đã có 97 HS được kết nạp Đảng. Đặc biệt, trong năm học vừa qua, trường có 19 HS được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Chia sẻ về các giải pháp thiết thực hiệu quả trong giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống cho HS, đại diện lãnh đạo Trường THPT Lệ Thủy cho rằng: Cần phải phát huy vai trò của người đứng đầu, các tổ chức đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm trong thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chú trọng phát triển kỹ năng sống cho HS. Để tạo ra môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, nhà trường luôn tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu quê hương, tạo điều kiện cho HS tham gia các hoạt động tình nguyện, các buổi thảo luận, tranh luận về vấn đề đạo đức xã hội. Năm học 2023-2024, trường có 100% HS xếp loại rèn luyện khá và tốt, 21 HS được tham gia học tập lớp bồi dưỡng cảm tình đảng, 5 HS ưu tú được kết nạp Đảng.
Tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, nơi đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho những HS là đoàn viên ưu tú sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng được tập trung đẩy mạnh bằng nhiều hình thức.
Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường mà vai trò tiên phong là Đoàn Thanh niên luôn theo dõi, lựa chọn những đoàn viên xuất sắc nhất để giới thiệu tham gia chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Trong năm học 2023-2024, chi bộ nhà trường đã kết nạp Đảng cho 3 HS ưu tú. Năm học này, nhà trường tiếp tục theo dõi, bồi dưỡng đối với những HS đủ điều kiện về tuổi, kết quả học tập, rèn luyện để phát triển đảng viên mới, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của chi bộ nhà trường và các tổ chức đoàn thể.
Việc HS được kết nạp Đảng trong trường THPT còn góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống văn hóa, khơi dậy khát vọng tự hào và cống hiến cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Từ các hoạt động, như: Nuôi heo đất giúp bạn nghèo, hỗ trợ bạn khuyết tật trong học tập, vui chơi, thăm hỏi động viên khi bạn ốm, nêu gương HS vượt khó học giỏi… các trường học đã mang đến cho HS nhiều bài học bổ ích, gieo vào các em tình yêu thương, sự sẻ chia, đùm bọc và ý thức trách nhiệm của bản thân với cộng đồng. Nhiều nhà trường còn tổ chức cho HS tham gia phiên tòa giả định, thành lập tổ tư vấn, góc tư vấn trong học đường, từng bước hình thành mạng lưới trợ giúp HS, nhất là những HS khuyết tật, HS có hoàn cảnh khó khăn. |
Nh.V