(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Trạch đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng hệ thống giáo dục phát triển đồng bộ, toàn diện ở các cấp học. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục (CSGD), thu gọn các điểm trường trên địa bàn tỉnh, trong năm học 2023-2024, huyện Quảng Trạch sáp nhập Trường tiểu học (TH) Quảng Kim với Trường THCS Quảng Kim thành Trường TH-THCS Quảng Kim và nhập 3 điểm trường lẻ bậc TH, gồm: Vịnh Sơn (Trường TH Quảng Đông), Sơn Tùng (Trường TH Quảng Tùng), Cấp Sơn (Trường TH Cảnh Hóa) vào điểm trung tâm…
Với phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”, Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các CSGD mầm non triển khai nhân rộng mô hình điểm về chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2 và mô hình áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến (STEAM); đồng thời tổ chức tốt các hoạt động, như: Ngày hội của bé, thi giáo viên dạy giỏi, cô chế biến giỏi, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ…
Huyện cũng tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường mầm non ở các xã: Quảng Thanh, Quảng Thạch, Quảng Tiến, Quảng Hợp, Cảnh Hóa… Điều đáng mừng, 18/18 trường mầm non trên địa bàn huyện tổ chức khá tốt hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh nhằm giúp trẻ có nền tảng ngoại ngữ ngay từ khi còn nhỏ.
Ở bậc TH, các nhà trường đã thực hiện nghiêm túc việc dạy học 9 buổi/tuần, chú trọng hoạt động dạy học môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc cho 100% học sinh (HS) lớp 3, 4 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Nhiều CSGD triển khai tốt giáo dục STEM, mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn, tạo điều kiện cho HS ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
Với yêu cầu đổi mới của giáo dục, các trường học trên địa bàn huyện đã tập trung đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ của HS. Đội ngũ giáo viên (GV) luôn phát huy tinh thần tự học, sáng tạo, xây dựng bài giảng phong phú theo hướng tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình GDPT hiện hành… Nhờ vậy, huyện đạt được nhiều kết quả đáng mừng từ chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Năm học vừa qua, toàn huyện có 101 HS tham gia kỳ thi HS giỏi văn hóa lớp 9 cấp tỉnh và đoạt 36 giải; trong đó có 1 giải nhất, 4 giải nhì…
![]() |
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi mặt công tác, huyện tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện cho GV tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ trong quản lý, giảng dạy. Cán bộ, GV toàn ngành đã triển khai tốt các phần mềm quản lý, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành. 100% nhà trường sử dụng đường truyền kết nối internet băng thông rộng, có website hoạt động thường xuyên. GV đã khai thác, sử dụng hiệu quả kho bài giảng e-Learning phục vụ cho hoạt động dạy học.
Nhiều trường học khai thác sử dụng tốt hồ sơ, giáo án điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, quản lý điểm, quản lý thư viện, thiết bị... trên các phần mềm trực tuyến. 100% văn bản hành chính đi, đến đều được thực hiện trên hệ thống quản lý văn bản của tỉnh…
Năm học 2024-2025, ngành GD-ĐT huyện Quảng Trạch gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất, hạ tầng của một số nhà trường chưa đồng bộ, thiếu phòng chức năng, thiếu trang thiết bị. Quy mô trường, lớp tăng trong điều kiện tinh giản biên chế nên nhiều trường thiếu GV. Công tác xây dựng trường đạt kiểm định chất lượng, chuẩn quốc gia chưa đạt chỉ tiêu đề ra… Những bất cập đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Trường THCS Quảng Châu là một trong những đơn vị còn gặp nhiều rào cản trong triển khai xây dựng trường chuẩn quốc gia. Năm học mới này, toàn trường có 766 HS, là một trong những trường có số HS đông nhất trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trường có 9 HS thuộc diện khuyết tật tham gia học tập hòa nhập; nhiều HS có hoàn cảnh kinh tế khó khăn…
Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Châu Nguyễn Minh Phương cho biết: Trường gặp không ít thử thách khi triển khai Chương trình GDPT 2018 vì cơ sở vật chất, hạ tầng và trang thiết bị chưa đồng bộ. Hiện tại, nhà trường đang thiếu 8 phòng học, 6 phòng chức năng, 3 phòng bộ môn, số HS trên lớp vượt quá quy định, nhất là khối lớp 6...
Chia sẻ với chúng tôi về những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Trạch Phan Xuân Linh cho hay: Trong năm học 2024-2025, ngành GD-ĐT huyện tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền về tăng trưởng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, phát triển mạng lưới trường, lớp bảo đảm yêu cầu triển khai chương trình GDPT mới và xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Nhiệm vụ trước mắt là rà soát những trường tiệm cận với các tiêu chí xây dựng chuẩn quốc gia, các trường đến hạn công nhận lại để bổ sung đầu tư xây dựng hạng mục còn thiếu nhằm tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn. Huyện cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số trong dạy học và quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục STEAM, STEM, giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng HS sau THCS.
Để thực hiện tốt chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” năm học 2024-2025, ngành GD-ĐT huyện Quảng Trạch tăng cường nhiều hoạt động nhằm thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 đối với tất cả các khối lớp và tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, GV. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua, như: “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập”, “Dạy tốt-Học tốt”, “Tự làm đồ dùng dạy học”, “Nghiên cứu khoa học kỹ thuật”... chú trọng việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động, phong trào thi đua “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”… nhằm tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. |
Nh.V