(QBĐT) - Nhằm khơi dậy nhiệt huyết sáng tạo trong đội ngũ cán bộ (CB), giáo viên (GV) và học sinh (HS), ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là phong trào “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Qua đó, tạo động lực để mỗi CB, GV, HS phát huy phẩm chất, năng lực cá nhân, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục.
Không chỉ “học để biết”, giáo dục ngày nay chú trọng nhiều hơn đến việc “học để làm” nên đòi hỏi mỗi GV phải thay đổi cách dạy nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho HS. Để làm được điều đó, GV phải đảm nhận “tròn vai” người tổ chức, định hướng hoạt động học tập của HS, lấy HS làm trung tâm của mọi hoạt động.
Cô giáo Nguyễn Thị Long (Trường tiểu học số 2 Hoàn Lão, Bố Trạch) chia sẻ: Muốn thực hiện giờ dạy/hoạt động giáo dục theo hướng giúp HS phát triển năng lực, phẩm chất, GV phải xây dựng tốt kế hoạch bài dạy, xem đây là nhiệm vụ có tính quyết định sự thành công của một giờ dạy và phải tạo hứng thú cho HS trong học tập. Tùy theo từng nội dung, GV có thể lựa chọn các phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp (phương pháp bàn tay nặn bột, làm việc nhóm), sử dụng những cách thể hiện bài giảng khác nhau, như: Tổ chức cho HS thảo luận nhóm, thuyết trình, vẽ sơ đồ tư duy, tham gia trò chơi, kể chuyện bằng tranh... tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho HS trong mỗi giờ học.
Trước giờ lên lớp, GV luôn dành nhiều thời gian xây dựng giáo án, xác định yêu cầu cần đạt của một giờ dạy để lựa chọn, sắp xếp nội dung dạy học theo hướng mở, không phụ thuộc vào sách giáo khoa. GV còn thiết kế giờ học thành 1 chuỗi hoạt động từ khởi động, trang bị kiến thức mới, tạo điều kiện cho HS vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
Thực hiện đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, Trường THPT Tuyên Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.
Hiệu trưởng nhà trường Hồ Ngọc Phương cho hay: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, trường có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của GV, HS và đổi mới công tác quản lý. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho CB quản lý, GV học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhà trường luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các phòng thực hành, thí nghiệm, trang thiết bị hiện có để phục vụ hoạt động dạy học.
![]() |
Nhà trường đã đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá HS và tăng cường hoạt động bồi dưỡng HS giỏi, khuyến khích HS nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT); tinh giản hội họp và các thủ tục hành chính không cần thiết, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với thực hiện tốt việc xây dựng giáo án điện tử, triển khai ứng dụng sổ điểm, học bạ điện tử… Đặc biệt, thời gian tới, trường tiếp tục tập trung nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả mọi mặt hoạt động.
Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, Trường THPT Tuyên Hóa còn chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HS. Để tạo nguồn cho Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nhà trường mà vai trò tiên phong là tổ chức Đoàn Thanh niên đã triển khai nhiều chương trình hoạt động, như: Thanh niên tình nguyện, giúp đỡ bạn nghèo, các phong trào thi đua... nhằm phát huy tinh thần, trách nhiệm của tuổi trẻ, tạo môi trường thử thách để khuyến khích những “hạt giống” phấn đấu, rèn luyện.
Từ đó, lựa chọn những HS ưu tú để theo dõi, bồi dưỡng, tạo nguồn cho công tác phát triển đảng viên mới. Năm học 2023-2024, Trường THPT Tuyên Hóa có 21 quần chúng ưu tú (2 GV và 19 HS) được giới thiệu tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và có 5 quần chúng (2 GV và 3 HS) được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Để phát huy tinh thần lao động sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê, lòng nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người trong mỗi GV, Sở GD-ĐT tổ chức tốt nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động, các cuộc thi, hội thi. Năm học 2023-2024, các phòng GD-ĐT tổ chức tốt hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục bên ngoài lớp học theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm” (bậc học mầm non) tạo không gian mở ở các trường học để trẻ được vui chơi, khám phá, trải nghiệm, phát triển khả năng sáng tạo.
Đối với bậc tiểu học, trung học, ngành GD-ĐT tổ chức nhiều hội thảo, như: “Dạy học phát triển năng lực hợp tác”, “Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học tiếng Anh”, “Xây dựng trường học hạnh phúc”... Đặc biệt, Sở GD-ĐT tổ chức thành công hội thi GV chủ nhiệm giỏi THPT cấp tỉnh. Qua đó, công nhận 41 GV chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, GV được tập huấn bồi dưỡng về dạy học STEM và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong trường THPT, tham vấn kỹ năng công dân số...
Cùng với đổi mới phương pháp dạy học, Sở GD-ĐT tổ chức sân chơi sáng tạo cho HS thông qua hội thi sáng tạo KHKT, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn… Tại cuộc thi KHKT HS trung học, toàn tỉnh tập hợp được 269 dự án do HS THCS, THPT làm chủ đề tài và có 79 dự án tham gia gia cuộc thi cấp tỉnh. Ban Tổ chức lựa chọn 4 dự án xuất sắc nhất để trao giải nhất; 2/4 dự án dự thi cấp quốc gia đều đoạt giải (1 giải nhì và 1 giải tư).
Nhờ triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, xem thi đua là động lực để phát triển đã thúc đẩy, khích lệ đội ngũ CB, GV nêu cao tinh thần tự học và có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảng dạy. Qua đó, xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, như: “Ứng dụng phim hoạt hình vào dạy học” (Phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới), “Thư viện số” (Lệ Thủy), “Trường học hạnh phúc” (Bố Trạch), “Tiết dạy sáng tạo” (Trường: THPT Lương Thế Vinh, THPT Nguyễn Trãi), mô hình sinh hoạt chuyên môn liên trường (Trường: THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, THPT Đào Duy Từ)...
“Từ việc chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng, triển khai nhiều tiết dạy sáng tạo, đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn và công tác kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS... đã tạo ra “luồng gió” mới trong giáo dục, làm thay đổi tư duy sáng tạo của mỗi CB, GV và HS. Đó là nền tảng để toàn ngành triển khai thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018...”, Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn khẳng định.
Lan tỏa tinh thần thi đua đổi mới, sáng tạo, ngành GD-ĐT có nhiều nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh, như: Trần Thị Lành (Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp), Đỗ Thị Hoàng Yên (Trường THPT Quảng Ninh), Trần Thị Huyền (Trường THPT Trần Hưng Đạo) đoạt giải nhất cuộc thi GV chủ nhiệm giỏi bậc THPT cấp tỉnh và nhiều GV, HS được tôn vinh, khen thưởng về thành tích trong các cuộc thi HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 14 GV trẻ và 39 HS được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trao tặng danh hiệu nhà giáo trẻ tiêu biểu, HS “3 tốt” cấp tỉnh trong năm học 2023-2024. |
Nh.V